Thành phố đó tên là Pavlopetri, có tuổi đời khoảng 5.000 năm, nằm ngoài khơi bờ biển phía nam Laconia ở Peloponnese, Hy Lạp, được coi là thành phố bị mất tích, chìm dưới đáy biển lâu đời nhất trên thế giới.

Theo Thevintagenews, cái tên Pavlopetri (“Paul’s và Peter’s”, hay ” hòn đá của Paul”) là tên hiện đại của hòn đảo và bãi biển, dường như được đặt tên theo tên của hai vị thánh Cơ đốc; không rõ tên hòn đảo thời cổ đại là gì.

Thành phố Pavlopetri được Nicholas Flemming phát hiện vào năm 1967 và được lập bản đồ vào năm 1968 bởi một nhóm các nhà khảo cổ từ Cambridge.

Pavlopetri nằm giữa hòn đảo Pavlopetri cắt làng Elafonisos và bãi biển Pounta. Bãi biển, địa điểm khảo cổ cũng như hòn đảo nhỏ và khu vực biển xung quanh nằm trong Khu vực tự trị Elafonisos, là bán đảo cũ “Onou Gnathos” (theo Pausanias). Thành phố này độc đáo vì nó có một quy hoạch thị trấn gần như hoàn chỉnh, bao gồm cả đường phố, tòa nhà và lăng mộ.

Thoạt đầu người ta cho rằng các tàn tích có niên đại từ thời Mycenaean, 1.600–1.100 trước Công nguyên nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy niên đại của các tàn tích này phải bắt đầu từ trước năm 2.800 trước Công nguyên, do vậy nó có thể bắt đầu từ Kỷ đồ đồng đầu niên đại Minoan.

Người ta tin rằng thị trấn đã bị nhấn chìm vào khoảng năm 1.000 trước Công nguyên bởi trận động đất đầu tiên trong số ba trận động đất mà khu vực này phải hứng chịu. Khu vực này đã không bao giờ lại nổi lên mặt đất nữa, vì vậy nó không bị bồi đắp cũng như không bị ảnh hưởng bởi nông nghiệp.

Mặc dù bị xói mòn qua nhiều thế kỷ, nhưng cách bố trí của thị trấn vẫn như hàng nghìn năm trước. Địa điểm này đang bị đe dọa hư hại do tàu thuyền thả và kéo neo tại khu vực này, cũng như khách du lịch và những người săn đồ lưu niệm.

Các cuộc điều tra thực địa năm 2009 phần lớn là để lập lại bản đồ khu vực này. Đây là thị trấn chìm dưới nước đầu tiên được khảo sát bằng kỹ thuật số ba chiều. Các kỹ thuật lập bản đồ sonar do quân đội và các tổ chức khảo sát dầu mỏ phát triển đã hỗ trợ cho công việc của họ. Thành phố có ít nhất 15 tòa nhà ngập trong nước sâu từ 3 đến 4 mét (9,8–13,1 ft). Chỉ riêng những khám phá mới nhất trong năm 2009 đã rộng tới 9.000 m2 (2,2 mẫu Anh).

Vị trí của thành phố cổ dưới nước Pavlopetri lâu đời nhất thế giới (ảnh: The Vintage)


Kể từ tháng 10 năm 2009, bốn cuộc điều tra thực địa nữa đã được lên kế hoạch, trong một dự án chung hợp tác với chính phủ Hy Lạp. Các cuộc điều tra thực địa này tập trung vào công tác khai quật.

Cùng làm việc với các nhà khảo cổ học (từ Đại học Nottingham) là một nhóm các nhà khoa học từ Trung tâm Công nghệ Robot hiện trường Australia, có mục tiêu đưa khảo cổ học dưới nước vào thế kỷ 21.

Họ đã phát triển một số robot độc đáo để khảo sát hiện trường theo nhiều cách khác nhau. Một trong những kết quả của cuộc khảo sát xác định rằng thị trấn là trung tâm của một ngành công nghiệp dệt đang phát triển mạnh (từ nhiều khung dệt được tìm thấy trong khu vực này). Ngoài ra, người ta cũng khai quật được nhiều bình gốm pitharis lớn (từ đảo Crete), biểu thị cho một thương cảng lớn.

Công việc của nhóm khảo cổ Anh/Úc được tập hợp trong một video tài liệu dài một giờ của đài BBC, có tên “Thành phố dưới những ngọn sóng: Pavlopetri”, được phát sóng bởi BBC 2 vào năm 2011.

Thành phố Pavlopetri là một phần của di sản văn hóa dưới nước theo định nghĩa của UNESCO trong Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

Tất cả các dấu vết về sự tồn tại của con người nằm dưới nước từ một trăm năm tuổi trở lên đều được bảo vệ bởi Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Dưới nước. Công ước này nhằm ngăn chặn việc phá hủy hoặc làm mất thông tin lịch sử và văn hóa cũng như việc cướp bóc di sản. Nó giúp các quốc gia thành viên bảo vệ di sản văn hóa dưới nước của họ bằng một khuôn khổ pháp lý quốc tế.

Lê Na/NTDVN