Thầy Nguyễn Xuân Khang là hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội). Năm nay cũng như mọi năm, thầy Khang gửi thư động viên các em học sinh trước mùa thi. Nhiều phụ huynh đã rất xúc động khi đọc được thư ngỏ của thầy Khang.

Theo Doanh nghiệp và tiếp thị, thầy Khang đã nhiều lần viết thư ngỏ gửi tới học sinh và phụ huynh trong trường để bày tỏ tấm lòng mình. Học sinh trong trường rất yêu mến thầy.

Mô tả về thầy Khang, một em học sinh kể: “Thầy thường đi quanh sân trường, lặng lẽ quan sát. Thầy luôn cười tươi, trò chuyện cởi mở với học trò. Thầy còn thường theo dõi trận đấu bóng hay ngắm nhìn học sinh tập văn nghệ… Tớ nghĩ, thầy đi thực tế để xem chúng mình học thế nào, chơi có vui, đến trường có thích không?”.

Hình ảnh thầy Khang ấm áp, giản dị, hòa nhập cùng học sinh.

Nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường Marie Curie nói rằng những bức thư của thầy Nguyễn Xuân Khang chứa đựng sự quan tâm ấm áp.

Mùa thi năm nay, bức thư của thầy Khang ngắn gọn; nhưng toát lên tấm lòng của một người thầy thấu hiểu tâm tư học trò.

Nội dung bức thư của thầy hiệu trưởng “ông nội”

“Thư ngỏ

Gửi các con học sinh trước mùa thi 2021

Mấy bạn nhỏ hỏi ông nội, một năm có mấy mùa?

Ông nội ngẫm nghĩ chút chút rồi trả lời: “Một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông và… mùa thi nữa là năm mùa”.

Nghe xong, các con vỡ oà: “Ông nội giỏi quá, hiểu thấu nỗi lòng của chúng con!”

Các con thân yêu,

Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm học! Chúng ta đã bước những bước đi đầu tiên vào mùa thi 2021 với nhiều tâm trạng. Đặc biệt là với các con học sinh cuối cấp: lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Lo lắng là tâm trạng chung!

Học trò Marie Cuirie chăm chỉ và thông minh nên sẽ biết cần làm gì và làm như thế nào để biến nỗi lo thường tình ấy thành niềm vui bất tận!

Ông nôi, các thầy cô và bố mẹ luôn bên cạnh, tin tưởng và hi vọng ở các con!

Thân ái

Hà Nội, mùa thi 2021

Thầy Khang”

Cảm nhận về bức thư của người thầy tâm lý

Học trò trường Marie Curie thường gọi thầy là “ông nội”; và trong tâm thư cũng 2 tiếng “ông nội” thân thương ấy khiến khoảng cách giữa thầy trò rút ngắn lại. Khi trò đặt câu hỏi, người thầy “ông nội” ấy trả lời trúng điều học sinh trăn trở nhất.

Cũng biết rằng học sinh không tránh khỏi lo lắng trong mùa thi; thầy lại âm thầm khen ngợi các em “chăm chỉ và thông minh”; để các em tự tin vào chính mình mà bớt đi phần nào âu lo.

Hơn nữa, sự tin tưởng các em “sẽ biết cần làm gì” lại trở thành nguồn động lực mạnh mẽ nhất mà thầy tiếp cho học sinh của mình.

Một tâm thư khác của vị hiệu trưởng ở Singapore

Cũng là một người thầy có tâm như vậy; người thầy hiệu trưởng ở Singapore đã gửi một bức thư đến phụ huynh. Bức thư khiến nhiều bậc cha mẹ phải lặng người; suy ngẫm về thứ áp lực mang tên “kỳ thi” đang đè nặng lên các con cũng như chính họ.

Nội dung bức thư được dịch như sau:

“Các bậc phụ huynh kính mến,

Kỳ thi của các em học sinh đang tới gần. Chúng tôi biết rằng các vị đều đang mong cho con mình sẽ giành được kết quả cao trong kỳ thi này.

Tuy nhiên, xin hãy nhớ rằng, trong số các em, những người có mặt tại kỳ thi; có người sẽ là một nghệ sĩ, người không cần hiểu sâu về Toán.

Có người sẽ là một doanh nhân, người không cần phải quá quan tâm đến lịch sử hay văn học Anh.

Có người sẽ là một nhạc sĩ, người mà với họ, môn Hoá học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

Có người sẽ là một vận động viên, người mà việc rèn luyện thể chất sẽ quan trọng hơn là môn Vật lý; giống như vận động viên Schooling của chúng ta.

Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con.

Hãy nói với con rằng: ổn thôi mà, đó chỉ là một kỳ thi. Con được sinh ra trên đời cho những điều lớn lao nhiều hơn thế.

Hãy nói với con rằng, dù điểm số của con là bao nhiêu; cha mẹ vẫn yêu con và không hề phán xét.

Xin hãy làm như vậy, và nếu các vị thực hiện điều đó, hãy chờ xem con mình chinh phục thế giới. Một kỳ thi hay một điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ đi những ước mơ; và tài năng bên trong của các con.

Và cuối cùng, xin đừng nghĩ rằng chỉ có kỹ sư hay bác sĩ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này.

Trân trọng,

Hiệu trưởng”.

Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác – Usinxki

Xem thêm: