Có thể nói thế giới tuần qua đầy biến động với sự từ chức của Thủ tướng Anh Boris Johnson, vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe đang để lại nhiều nghi vấn. Sri Lanka trong tình trạng hỗn loạn trầm trọng. Kinh tế thế giới cũng đang khủng hoảng bởi ảnh hưởng từ điểm nóng chiến sự tại Ukraine. Dưới đây là một số tin nổi bật trong ngày:

Đồng Euro giảm mạnh, chỉ còn “ăn” 1 đô la, vì sao?

Theo Indianexpress, ngày 12/7 đồng euro và đô la Mỹ có giá trị ngang bằng nhau.  Chỉ có hai lần kể từ năm 2002, đồng euro đã giảm xuống mức này so với đồng đô la. 

Sự sụt giảm giá trị của đồng euro so với đồng đô la cho thấy, các nhà đầu tư đang chuyển các quỹ đầu tư khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu sang Mỹ.

Nhìn chung kể từ đầu năm 2008, đồng euro đã mất dần sức mạnh so với đồng đô la. Tuy nhiên, mức giảm đã diễn ra đáng kể kể từ đầu năm 2021. 

Cuộc khủng hoảng năng lượng sau cuộc xung đột tại Ukraine, với hệ lụy từ các lệnh trừng phạt áp lên Nga, là đòn giáng mới nhất đối với tỷ giá tiền tệ.

Có hai yếu tố chính góp phần vào sự suy yếu dai dẳng của đồng euro so với đồng đô la. Thứ nhất, nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu rất mong manh. Thứ hai là sự khác biệt trong phản ứng chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương của Mỹ và châu Âu.

Đại dịch Covid-19 và các biện pháp tài chính được sử dụng để ngăn ngừa đã khiến nền kinh tế của khu vực đồng euro gia tăng lạm phát kỷ lục.

Một nguyên nhân quan trọng khác đẩy đồng Euro giảm giá mạnh là cuộc khủng hoảng khí đốt đang leo thang ở châu Âu. Đường ống lớn nhất dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức là Nord Stream 1 đã tạm ngừng hoạt động từ ngày 11/7, với lý do bảo trì định kỳ trong vòng 10 ngày.

Tiếp đến là các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga đã khiến các nền kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng hoàn toàn vào thời điểm quan trọng này.

Sau Anh, một Thủ tướng “chống Nga quyết liệt” thông báo từ chức

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas thông báo ý định từ chức đăng trên trang web của chính phủ Estonia như sau: 

“Chúng tôi đã đầu tư một tỷ euro vào việc tăng cường khả năng quốc phòng của Estonia, chúng tôi đã đạt được sự củng cố của cánh phía đông của NATO, và chúng tôi là một trong những nước ủng hộ lớn nhất của Ukraine. Chúng tôi cũng đã hoàn thành việc sáp nhập các hạm đội của Lực lượng Phòng vệ và Biên phòng đã được nói đến trong nhiều thập kỷ ”. 

Tại phiên họp bất thường của quốc hội diễn ra vào ngày 15/7, Thủ tướng Kallas dự kiến ​​sẽ đề nghị đàm phán thành lập một liên minh ba bên mới do bà lãnh đạo. Liên minh mới sẽ bao gồm các đảng Cải cách, Tổ quốc và Đảng Dân chủ Xã hội.

Ngày 3/6, Thủ tướng Kallas đã kêu gọi các phe phái trong nước tiến hành đàm phán để thành lập chính phủ mới, cũng như đảm bảo sự thống nhất trước những mối đe dọa an ninh từ bên ngoài sau khi liên minh cầm quyền sụp đổ.

Estonia dưới sự lãnh đạo của bà Kaja Kallas được coi là một trong số các quốc gia Baltic ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. 

Trong cuộc phỏng vấn trả lời báo Le Figaro vào ngày 18/5, Thủ tướng Kaja Kallas khẳng định việc đối thoại với tổng thống Nga chỉ hoài công, và giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Ukraina chỉ có thể là “quân sự”.

Bà nói: “Chúng ta không nên đề ra một lối thoát cho Vladimir Putin, vì đối với ông ta, chẳng khác nào bắn tín hiệu là lại có thể tái phạm. 

Giải pháp chỉ có thể là quân sự. Ukraina phải thắng được cuộc chiến này ! Như mới đây ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba đã nói, nếu Nga ngưng chiến đấu thì sẽ có hòa bình; nhưng nếu Ukraina ngưng chiến đấu, thì sẽ không còn Ukraina nữa.”

Vào tháng 6, Thủ tướng Kaja Kallas cũng bị chỉ trích vì vô tình tiết lộ bản kế hoạch của NATO trong việc bảo vệ vùng Baltic trên tờ Financial Times

Nền chính trị Châu Âu đang lâm vào khủng hoảng bởi những hậu quả kinh tế gây ra từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga. 

Trước đó, Thủ tướng Bulgary  Boyko Borissov, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức. Tại Pháp, Tổng thống Macron đã mất quyền kiểm soát Quốc hội Pháp. 

Tại Ý, Thủ tướng Draghi đang phải đối mặt với đảng Phong trào 5 Sao (M5S) đòi rút khỏi liên minh cầm quyền, khiến chính phủ Ý có nguy cơ sụp đổ. Và Estonia hiện cũng đang đi vào vết xe đổ.

3 người chết vì căn bệnh bí ẩn ở Tanzania

Theo Malaymail, một căn bệnh bí ẩn với đặc điểm là sốt, đau đầu, mệt mỏi và chảy máu cam đã cướp đi sinh mạng của 3 người ở đông nam Tanzania, và khiến 10 người khác phải nhập viện. 

Các triệu chứng có vẻ giống như sốt xuất huyết, nhưng kết quả xét nghiệm của các bệnh nhân đều âm tính với virus Ebola, virus Marburg cũng như Covid-19, Giám đốc y tế của Tanzania ông Aifello Sichalwe xác nhận. 

Trong số 13 trường hợp được báo cáo về căn bệnh bí ẩn được chẩn đoán ở vùng Đông Nam Lindi, chỉ có một người đã khỏi bệnh. Ba người đã chết, và những bệnh nhân còn lại đang được cách ly, ông Sichalwe giải thích.

Tổng thống Samia Suluhu Hassan hôm thứ Ba tuyên bố rằng, căn bệnh “kỳ lạ” có thể là do “sự tương tác ngày càng tăng ” giữa con người và động vật hoang dã. Bà cho biết, sự suy thoái môi trường” là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh lây lan giữa các loài và lây nhiễm sang con người. 

Tuy nhiên, bà Tổng thống không nói rõ loài động vật cụ thể nào có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Tuần trước Ghana cũng đã báo cáo hai trường hợp nghi nhiễm virus Marburg, cùng họ với virus Ebola và có các triệu chứng bao gồm sốt cao, xuất huyết trong và ngoài. Tuy nhiên, Ghana cách Tanzania 6.400km nên rất khó có khả năng hai cụm bệnh này có liên quan với nhau.

Ukraine phẫn nộ Canada ‘lách luật’ trừng phạt Nga: “Không chỉ 1 mà 6 tuabin”

Theo Bloomberg, thỏa thuận của chính phủ Canada cho phép sửa chữa các tuabin do Nga sở hữu kéo dài tới 2 năm, và sẽ cho phép nhập khẩu và tái xuất tối đa 6 thiết bị.

Điều này có nghĩa là Canada sẽ cho phép tập đoàn Siemens Energy của Đức được miễn trừ các lệnh trừng phạt chống lại Nga trong thời hạn 2 năm.

Điều này cho phép công ty Siemens vận chuyển các tuabin từ đường ống dẫn khí Nord Stream 1, do công ty Gazprom của Nga kiểm soát phần lớn, đến các cơ sở của Siemens ở Montreal (Canada) để sửa chữa và bảo dưỡng thường xuyên.

Hiện các biện pháp trừng phạt chống Nga của Mỹ và EU đã trở thành thảm họa kinh tế. Sự chia rẽ đã nhen nhóm trong quan điểm của các quan chức EU. Và sự bất bình đang gia tăng trong dân chúng đã biến thành các cuộc biểu tình trên đường phố ở Tây Âu.

Đại sứ Ukraine tại Canada, Yulia Kovaliv đã phẫn nộ tuyên bố với báo giới:

“Nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ hỗ trợ trực tiếp cho quân đội Nga. Do dự, thậm chí trong 2 năm thôi cũng đủ để Gazprom có ​​thể đạt được những gì họ muốn. Đây là một tiền lệ nguy hiểm. Họ (Nga) hiện sử dụng năng lượng như một vũ khí.”

Canada và Đức ban đầu tuyên bố rằng chỉ đề cập về một tuabin đang nằm tại cơ sở bảo trì tại Montreal do lệnh trừng phạt chống lại Gazprom.

Tuy nhiên thỏa thuận mới giữa Canada và Đức đã cho phép thêm 5 tuabin còn lại của Gazprom sẽ đợc gửi đến Siemens Canada để bảo trì thường xuyên.

Công ty Siemens sẽ gửi thiết bị tuabin tới Đức, và người Đức sau đó sẽ chuyển nó cho Nga. Con đường ‘gián tiếp’ để trả lại thiết bị tuabin cho Nga cho phép Canada tuyên bố rằng họ không vi phạm các lệnh trừng phạt.

Mỹ tuyên bố trừng phạt, Trung Quốc vẫn tích cực “làm ăn” với Nga

Theo Bloomberg, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Nga đạt trị giá 519 tỷ nhân dân tệ (77 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021, theo Cục Hải quan Trung Quốc. 

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng Trung Quốc sang Nga đã sụt giảm trong khi nhập khẩu lại tăng vọt. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga là dầu, khí đốt và than đá. 

Mỹ đã tăng cường chỉ trích Trung Quốc vì hỗ trợ ngoại giao của Bắc Kinh đối với Nga sau khi xung đột Ukraine bắt đầu nổ ra.

Washington đã cảnh báo chính quyền Bắc Kinh rằng, các công ty và quan chức của Trung Quốc có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu nước này tiếp tục tiếp tay cho cuộc chiến của Tổng thống Putin.

Có thể bạn quan tâm: