Thủ tướng Hungary: Châu Âu ‘tự bắn vào phổi mình’ với các lệnh trừng phạt Nga

Theo Reuter, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ví lệnh trừng phạt chống lại Nga của Liên minh châu Âu không khác gì đang “tự bắn vào phổi mình”.

Thủ tướng Orban nói: “Ban đầu, tôi nghĩ rằng chúng tôi chỉ tự bắn vào chân mình [bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga]. Nhưng bây giờ rõ ràng là nền kinh tế châu Âu đã tự bắn vào phổi và đang bị nghẹt thở”. 

Ông nói thêm rằng Ukraine cần sự giúp đỡ, nhưng các quan chức châu Âu nên “xem xét lại chiến lược của họ”, vì các lệnh trừng phạt đối với Nga chủ yếu gây thiệt hại trên diện rộng đến nền kinh tế của các quốc gia châu Âu mà không làm suy yếu Nga.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (ảnh chụp màn hình)

Thủ tướng Orban tin rằng nếu các hạn chế tiếp tục được áp dụng, nó sẽ “giết chết nền kinh tế của châu Âu”. 

Ông nói: “Những gì chúng tôi thấy ngay bây giờ là không thể chịu nổi.” “Thời điểm của sự thật phải đến ở Brussels, khi các nhà lãnh đạo thừa nhận họ đã tính toán sai lầm, rằng chính sách trừng phạt dựa trên những giả định sai lầm và nó phải được thay đổi”.

Trước đó, Ủy ban châu Âu đã khởi xướng việc giảm tiêu thụ khí đốt của Nga. Tại Tây Ban Nha, các chính trị gia nước này cũng đang đề xuất thay thế tài nguyên này bằng các loại nhiên liệu khác. Có khả năng EU sẽ sớm đưa ra gói trừng phạt thứ bảy chống lại Nga. 

Australia cáo buộc: Tàu TQ gây nguy hiểm cho tàu chiến nước này ở vùng biển quốc tế

Theo The Epochtimes, Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết tàu chiến Trung Quốc đã theo sát như hình với bóng với tàu HMAS Parramatta của Australia, khi tàu này đi qua vùng biển quốc tế mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. 

Ngày 14/7, một quan chức quốc phòng Australia đã nói đài ABC rằng,  HMAS Parramatta đã bị theo sát bởi một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052C “Luyang II”, một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 093-A “Shang II”, và nhiều máy bay giám sát khi nó đi qua Biển Đông, tiếp đến là tại vùng biển Đài Loan.

Nguồn tin cho biết, “phía Trung Quốc đã đưa ra “những lời thách thức”, bao gồm việc tuyên bố tàu HMAS Parramatta “đang đi vào lãnh hải của Trung Quốc”. “Lần chạm trán dữ dội nhất là khi tàu HMAS Parramatta đang ở biển Hoa Đông”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Phó Thủ tướng Richard Marles đã từ chối cung cấp thêm thông tin về vụ việc này trước bản tin của Đài ABC. 

Ông Marles nói với ABC: “Tôi sẽ không đi vào chi tiết xung quanh vấn đề đó, ngoài việc nói rằng quân đội của chúng ta làm gì, hải quân của chúng ta làm gì ở Biển Đông. Đây là chuyện thường ngày”.

Rời Australia vào cuối tháng 5, tàu khu trục HMAS Parramatta của hải quân Australia đã đến thăm Việt Nam và Hàn Quốc trước khi đi qua Biển Đông và Hoa Đông để đến Nhật Bản.

HMAS Parramatta cũng đến một cảng ở tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) vào ngày 28/6, sau khi tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

HMAS Parramatta đến Đà Nẵng vào ngày 5/6 và rời Việt Nam một tuần sau đó để đến Căn cứ Hải quân Busan, theo Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

3 anh hùng đã cứu một người bị cá mập trắng tấn công 

Theo KSBW-TV, Steve Bruemmer (62 tuổi) đã thoát chết trong gang tấc khi bị một con cá mập trắng lớn tấn công trong lúc đang tắm ở bãi biển Pacific Grove (bang California, Mỹ). 

May mắn ông đã được 3 người đang bơi gần đó dũng cảm đưa ông vào bờ. Trong một đoạn video do Trung tâm Y tế Natividad công bố, ông Steve Bruemmer đã kể lại tai nạn thảm khốc này: 

“Đó thật là một ngày đẹp trời. Không có gió, mặt biển phẳng lặng, không có sóng, và đại dương thật êm đềm”. 

“Lúc đó tôi chỉ cách bờ khoảng 150 mét. Giờ tôi thậm chí không biết chính xác điều gì đã xảy ra… Hóa ra tôi đã bị một con cá mập hung dữ cắn ngay ngang đùi và bụng.”

“Nó đợp lấy tôi, quăng tôi lên rồi dìm tôi xuống mặt nước và cuối cùng là nó nhả tôi ra”

Bruemmer cho biết con cá mập có điều gì đó đã “do dự” và bỗng nhả ông ra. Nhưng nó vẫn nán lại ngay cạnh nạn nhân. 

“Nó đang nhìn tôi, sát ngay bên cạnh tôi. Tôi nghĩ nó có thể tấn công tôi một lần nữa nên tôi đã dùng tay đẩy nó ra, dùng chân đá vào nó”.

“Tôi ngoi lên mặt nước và bắt đầu la hét để được giúp đỡ. Lúc đó vận may của tôi đã tới”. 

Hai vận động viên chơi ván chèo và một vận động viên đang lướt sóng đã nghe thấy tiếng kêu cứu của Bruemmer. Trong làn nước nhuốm đỏ, họ đã đưa Bruemmer lên ván lướt sóng và đẩy ông vào bờ.

Bruemmer cảm kích nói: “Họ là những anh hùng. Làm thế nào để bạn có thể ở lại trong vùng nước có mùi máu với một con cá mập đang lượn lòng vòng bên dưới bạn để cứu một người lạ? Thật tuyệt vời”. 

Bruemmer cho biết, khi ấy có hai y tá  và một bác sĩ tình cờ có mặt tại bãi biển, và đã lấy áo thun để cầm máu cho ông. “Nếu không, tôi sẽ chảy máu đến chết,” ông kể lại.

Bruemmer được phẫu thuật và xuất viện ba tuần sau vụ bị cá mập tấn công. May mắn cho ông, các bác sĩ cho biết con cá mập đã không cắn đứt động mạch chính.

Có thể bạn quan tâm: