Thêm 16.135 ca Covid-19, Hà Nội gần chạm mốc 3.000 ca; Di chứng hậu Covid – mối lo cộng đồng năm 2022; Người đàn ông tố bị đánh bầm tím ở trụ sở xã… là những thông tin nổi bật của bản tin sáng nay 13/1.
Dưới đây là thông tin chi tiết
Tóm tắt nội dung
Thêm 16.135 ca Covid-19, Hà Nội gần chạm mốc 3.000 ca
Bản tin dịch Covid-19 ngày 12/1 của Bộ Y tế cho biết có 16.135 ca mắc Covid-19 tại 60 tỉnh, thành phố; Hà Nội vẫn tiếp tục dẫn đầu với gần 3.000 ca; Sở Y tế Khánh Hòa đăng ký ‘bổ sung’ 12.156 ca Covid-19.
Di chứng hậu Covid – mối lo cộng đồng năm 2022
Tại Hội nghị triển khai các hoạt động trọng tâm của ngành y tế năm 2022 vào chiều 12/1, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM chia sẻ, trong số bệnh nhân mắc di chứng Covid khám tại bệnh viện Gia Định trong hơn 40 ngày (từ 1/12/2021 đến 10/1), có tới 510 người bị các triệu chứng hô hấp (chiếm gần 50%),182 người có triệu chứng thần kinh, 134 trường hợp mắc các triệu chứng tim mạch, 180 bệnh nhân có vấn đề về nội tiết, 66 ca mắc bệnh lý tiêu hóa, 49 người gặp triệu chứng cơ xương khớp.
Theo vị này, hiện gần 2% dân số Việt Nam mắc Covid-19 nhưng chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu Covid-19 trong cộng đồng. Đáng chú ý, có một số bệnh nhân bị di chứng phổi vĩnh viễn hậu Covid-19, dù điều trị nhưng khó trở về bình thường, xem chi tiết trên báo VnExpress.
Cận Tết, hơn 40 y bác sĩ cầm băng rôn “cầu cứu” vì bị nợ lương suốt 8 tháng
Sau buổi làm việc ngày 11/1, hơn 40 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam) tại Hà Nội, đã cầm băng rôn ra trước cổng bệnh viện “cầu cứu” người đi đường lên tiếng bảo vệ các y bác sĩ. Lý do là vì hơn 8 tháng qua, họ bị nợ 50% số lương cơ bản. Thậm chí, tháng 12 vừa qua, 50% số lương được xem là cố định sẽ trả hàng tháng họ vẫn chưa được nhận. Số tiền lương ít ỏi chỉ từ 1-3 triệu đồng họ nhận hàng tháng quả thật không thể đủ cho cuộc sống mưu sinh.
Mặc dù, cuối tháng 11 vừa qua, lãnh đạo Học viện đã làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành để giải quyết quyền lợi cho hơn 160 y bác sĩ tại đây. Tuy nhiên, hiện tại, phía bệnh viện chưa nhận được một động thái nào từ các lãnh đạo thậm chí lương tháng 12 của nhân viên đến nay chưa được nhận, xem chi tiết trên báo Doanh Nghiệp và Tiếp thị.
Yêu cầu gỡ bỏ ảnh trẻ em ở ‘Tịnh thất Bồng Lai’ trên mạng xã hội
Ngày 12/1, Cục Trẻ em cho biết đã có công văn gửi Cục An toàn thông tin đề nghị kiểm tra, xử lý các tài khoản, fanpage chia sẻ hình ảnh trẻ em trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai”.
“Các em là nạn nhân và cần được bảo vệ. Chúng tôi yêu cầu phải gỡ bỏ và dừng việc tiết lộ những thông tin liên quan tới đời sống cá nhân của trẻ em ở đây. Trách nhiệm tìm hiểu thông tin là thuộc về các cơ quan pháp luật, cơ quan điều tra để xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ, xem chi tiết báo Thanh Niên.
Làm rõ việc người dân tố bị đánh bầm tím ở trụ sở xã
Theo trình bày của gia đình anh Nguyễn Trọng Bang ngụ xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, tối 10/1 anh Bang nghe tin con ruột ốm nặng, bị gãy tay nên anh sang nhà vợ (hai vợ chồng anh Bang đã ly hôn).
Tại đây, giữa hai người xảy ra cãi vã, lời qua tiếng lại. Sau đó người nhà vợ cũ anh Bang gọi điện cho ông P.V.Q. là dân quân kiêm thôn phó đến để giải quyết. Tiếp đó, anh Bang được ông Q. cùng ông P.V.N. công an viên đưa về trụ sở xã.
Theo anh Bang, khi về trụ sở xã Hiến Sơn, anh bị ông Q. và ông N. còng tay và đánh. Khi anh Bang được về nhà, gia đình kiểm tra thì phát hiện vùng chân, đùi của anh Bang có nhiều vết thương, bầm tím.
Gia đình anh Bang viết đơn tố cáo gửi Công an huyện Đô Lương và Công an tỉnh Nghệ An, đề nghị làm rõ sự việc, xem chi tiết trên báo Tuổi Trẻ.