Vài ngày qua, giá năng lượng đã trở thành vấn đề trọng tâm của thế giới, và còn “nóng” hơn cả tình hình chiến sự tại Ukraine. Có những “đồn đoán” cho rằng, Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu sau thời hạn bảo trì 10 ngày đường ống North Stream 1, khiến giá năng lượng tăng vọt. Vậy thực hư câu chuyện này thế nào?

Thị trường năng lượng châu Âu náo loạn

Chứng khoán châu Âu hiện mất 20% giá trị.Trong khi đó, đồng euro rớt giá thảm hại, đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, và gần như ngang giá với đô la Mỹ. 

Nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Đức đang chứng kiến chứng khoán nước này giảm 11% kể từ tháng 6. Tập đoàn năng lượng Uniper của Đức cũng chịu thiệt hại lớn, khi cổ phiếu giảm tới 80% trong năm nay và đang kêu gọi chính phủ cứu trợ.

Nhiều chuyên gia phố Wall đã đưa ra những viễn cảnh u tối, chẳng hạn phỏng đoán thời gian North Stream 1 (NS 1) ngừng hoạt động, mức độ Nga cắt giảm nguồn cung ra sao và các quốc gia sẽ làm gì để giảm khối lượng sử dụng năng lượng. 

Joachim Klement – trưởng nhóm chiến lược, kế toán và bền vững tại Libertum Capital, cho biết: “Ẩn số lớn nhất là cú sốc bắt đầu ở Đức, Ba Lan và các quốc gia Trung Âu khác sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phần còn lại của châu lục và thế giới. Đơn giản là, không có nguồn cung nào sẵn sàng để thay thế cho khí đốt của Nga.”.

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, tất cả đều chỉ là phỏng đoán.

Nga bác bỏ đồn đoán

Phát biểu với truyền thông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Chúng tôi đang nói về công việc bảo trì có kế hoạch. Trên thực tế, công việc này sẽ được thực hiện từ ngày 11 đến ngày 21/7”. 

Theo bà Zakharova, tiến độ bảo trì này đã được thống nhất và phối hợp trước với các đối tác châu Âu, do đó “mọi suy đoán về vấn đề này” đơn giản “bị bác bỏ và không phù hợp”.

Bà Zakharova tuyên bố: “Đối với hoạt động của đường ống (NS 1) trong tương lai, phần lớn sẽ phụ thuộc vào các đối tác của chúng tôi cả về nhu cầu khí đốt và ngăn chặn tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt, các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với hoạt động NS1. Ví dụ, như việc sửa chữa tuabin Siemens ở Canada”.

Được biết vào giữa tháng 6, tập đoàn Gazprom của Nga đã giảm lưu lượng khí đốt qua NS1 khoảng 60%. Gazprom giải thích là do phía Canada chậm trễ trả tuabin cho trạm máy nén Portovaya – một cơ sở quan trọng đối với đường ống NS1 – do các lệnh trừng phạt Nga của Canada.

Tập đoàn Gazprom (Nga) giải thích là do phía Canada chậm trễ trả tuabin nên cản trở việc North Stream 1 vận hành bơm khí đốt

Theo Gazprom, 5 trong số 8 bộ phận bơm khí được công ty Siemens (Đức) gửi đi sửa chữa từ trạm máy nén Portovaya của Gazprom ở Vyborg (gần St.Petersburg) đã không được trả lại đúng thời hạn. 

Châu Âu thổi phồng “đồn đoán”, khỏa lấp giá năng lượng tăng cao

Theo giới quan sát, châu Âu đang gây “ồn ào” về khả năng Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn cho EU, để khỏa lấp việc EU đang cố tình loại bỏ dầu Nga theo sau Mỹ.

Theo RT, Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Sergey Pravosudov (Nga) cho biết: “Ở châu Âu, một số kiểu suy đoán vô căn cứ như vậy đang nở rộ. Brussels tìm cách “đá” trách nhiệm cho Nga về chính sách năng lượng kém hiệu quả của họ để đánh lừa người dân châu Âu”. 

“EU tiếp tục đổ lỗi cho Moscow về năng lượng của họ và những rắc rối khác, bởi vì họ không thể thành thật thừa nhận rằng, điểm mấu chốt là do sai lầm của họ và việc áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga đã giáng xuống chính các nước châu Âu”. 

Ông cũng nhắc lại rằng, công việc bảo trì đường ống NS1 vẫn được thực hiện định kỳ hằng năm vào mùa hè ở châu Âu và châu Á. Đồng thời người tiêu dùng đều được thông báo trước. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Liên minh châu Âu về các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của Nga tại Brussels, Bỉ ngày 30/5 (ảnh chụp màn hình Reuters).

Theo ông Pravosudov, việc EU cố tình thổi phồng Nga sẽ “đóng cửa hoàn toàn NS1”, là để chuyển hướng việc EU muốn nhanh chóng loại bỏ năng lượng của Nga và thay thế bằng khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ, Qatar và dầu thô từ Ả rập Xê út. 

Ông nói: “EU đang công khai thảo luận về cách ngừng mua khí đốt của Nga, nhưng cuối cùng họ đi đến kết luận rằng điều này là chưa thể”.

“Đồng thời, Brussels, giống như các chính phủ quốc gia châu Âu khác, vẫn cần phải có cái cớ thỏa đáng để giải thích lý do giá năng lượng tăng vọt cho dân chúng. Đó là lý do tại sao gần đây các tuyên bố rầm rộ đổ lỗi cho Nga ngày càng tăng”. 

Phục vụ lợi ích chính trị hơn là lợi ích kinh tế

Vyacheslav Kulagin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thị trường Năng lượng Thế giới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, chính việc Đức hủy bỏ Nord Stream 2 đã tạo ra nguy cơ châu Âu bị ngắt kết nối với khí đốt từ Nga khi NS1 tạm dừng để bảo trì. 

Ông Kulagin cho biết: “Trước đây, khí đốt được chuyển dọc theo các tuyến, nhưng bây giờ không còn cơ hội như vậy do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nếu Nord Stream 2 được khởi động, thì giờ nó có thể thực hiện việc này”. 

Theo ông Kulagin, các “đồn đoán” này xuất phát từ các tuyên bố của quan chức tại Brussels và một số nước châu Âu, đều “không phải vì lợi ích kinh tế, mà là đầu cơ chính trị”. 

Ông nói: “Câu hỏi ở đây không phải là về năng lượng và thậm chí không phải là kinh tế, mà là chính trị toàn cầu và những lệnh trừng phạt mà Nga đang phải đối mặt ở châu Âu trong việc thực hiện cung cấp năng lượng”.

“EU liên tục nói về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, về việc loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Nhưng Nga lại đang nhanh chóng thích ứng với tình hình phát sinh và chuyển hướng sang châu Á”. 

Liệu EU có phải tìm cớ để hạ bệ uy tín của Nga như là một nhà cung cấp không uy tín, cũng như đổ vấy Nga là nguyên nhân gây ra giá năng lượng tăng cao? 

Châu Âu “đổ lỗi” đầy sơ hở

Trở lại ngày 11/7, ngày đầu tiên Nga tạm ngừng NS1 để bắt đầu công tác bảo trì hằng năm, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cảnh báo các nước EU cần chuẩn bị cho nguy cơ Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn. Theo ông, Ủy ban châu Âu thừa nhận về một kịch bản như vậy.

Sau đó ngày 14/7, Ủy ban châu Âu đưa ra dự báo kinh tế mùa hè, trong đó cho rằng nền kinh tế EU “vẫn đặc biệt nhạy cảm” với những thay đổi trên thị trường năng lượng “do phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.” (ec.europa)

Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni còn hàm ý Nga không phải là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy. 

Ông nói: “Các hành động của Moscow đang phá vỡ chuỗi cung ứng năng lượng và ngũ cốc, làm tăng giá và làm suy yếu niềm tin. 

“Để đi đúng hướng, châu Âu phải thể hiện vai trò lãnh đạo, dựa trên ba tiêu chí chính trong chính sách của chúng tôi: Đoàn kết, khả năng phục hồi và an ninh”. (ec.europa)

Trong khi ấy tại Hội nghị kinh tế Rencontres Economiques hôm 10/7, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi những người đồng cấp châu Âu ngay lập tức tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế Nga, trước những gì ông nói sẽ là một tình huống thảm khốc ở châu Âu. (Bloomberg)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cho biết, Paris nên chuẩn bị cho một “kịch bản khó khăn” nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt. (abc.net.au)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (bên trái, hàng đầu), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên phải, hàng đầu) cùng lãnh đạo các nước thành viên G7 dự hội nghị thượng đỉnh ở Bavaria, Đức ngày 26/6 (ảnh chụp màn hình AP).

Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Đức ông Joerg Kukies tuyên bố, Đức sẽ ngừng mua than Nga vào ngày 1/8, và dầu thô vào ngày 31/12. 

Ông Kukies cũng không phủ nhận trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Nga là nhà cung cấp năng lượng chính cho Đức, với 40% than và 40% dầu.

Nhưng ông này nhấn mạnh: “Thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga không phải là vấn đề tầm thường, nhưng đó là điều mà chúng tôi sẽ đạt được trong vài tháng tới”. (Businessinsider)

Các tuyên bố trên của quan chức EU đều cho thấy, châu Âu muốn loại bỏ năng lượng của Nga. Và việc EU rầm rộ tuyên truyền Nga sẽ cắt hoàn toàn đường ống NS1 chỉ là một cái cớ hoàn hảo.

Gậy ông đập lưng ông

Theo Bloomberg, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 400% trong năm qua.

Có thể nói, lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và những nỗ lực của châu Âu trong việc thay thế dầu khí của Nga đã dẫn đến những hậu quả kinh tế nghiệt ngã mà người dân châu Âu và thế giới đang phải hứng chịu. 

Điều này đã được Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vào ngày 8/7 như sau: 

“Tất cả những điều này một lần nữa cho thấy các hạn chế trừng phạt đối với Nga gây ra nhiều thiệt hại hơn cho chính những quốc gia áp đặt chúng. 

Việc sử dụng thêm chính sách trừng phạt có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn, không phóng đại, thậm chí là thảm khốc trên thị trường năng lượng toàn cầu”. 

Đặc biệt, ông Putin cũng nhắc đến cách các nước phương Tây theo đổi chính sách Năng lượng Xanh. Điều này dẫn đến việc cắt giảm năng lượng hóa thạch, là một trong những nguyên nhân làm tăng giá khí đốt như ngày hôm nay.

Vì vậy các nhà quan sát cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá năng lượng tăng vọt, trước hết là do những tính toán sai lầm của các chính trị gia cánh tả tại Mỹ và châu Âu, nhằm thực thi chính sách Biến đổi Khí hậu của giới Chủ nghĩa toàn cầu.

Phải chăng các quan chức Mỹ và EU đang cố tình loại bỏ năng lượng giá rẻ của Nga, bất chấp người dân phải hứng chịu, để phục vụ cho mục đích chính trị hơn là sự an nguy của dân chúng?

Có thể bạn quan tâm: