Hãy nói về khuyết điểm bằng những lời khuyên nhủ. Nói về ưu điểm bằng những lời động viên. Và nói về thành tựu bằng những lời khích lệ, biết đâu bạn sẽ góp phần tạo ra một thiên tài của thế kỷ?

Nếu có 1 ngày, thầy hiệu trưởng gửi thư tay về nhà chỉ trích con bạn là kẻ ngu ngốc, bạn sẽ làm gì? Và nếu là mẹ của 1 đứa trẻ cứ luôn nói những điều viển vông, bạn sẽ cư xử ra sao? 3 câu chuyện về những nhân vật có thật sau đây sẽ giúp bạn trả lời thắc mắc đó.

Mẹ Thomas Edison biến cậu bé “thiểu năng trí tuệ” thành thiên tài thế kỷ

Đó là một ngày đẹp trời vào những năm 1854 – 1855, khi cậu bé Thomas mới khoảng 7 tuổi. Hôm ấy, Thomas chạy từ trường về nhà và nói với mẹ. Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này.

Bà Nancy Elliott cẩn thận mở ra đọc. Bên trong là lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Thomas. Bỗng nước mắt bà giàn giụa khiến cậu bé Thomas đứng ngẩn người ra vì kinh ngạc. Cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó? Ngập ngừng một lát, bà Nancy đọc to lá thư cho con trai mình:

Con trai của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ. Các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình.

Nhiều năm sau đó, mẹ của Thomas đã qua đời. Còn con trai bà thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20. Người được mệnh danh là Thầy phù thủy ở Menlo Park nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại.

Từ cậu bé đần độn trở thành thiên tài thế kỷ nhờ tình yêu thương và niềm tin của mẹ (ảnh: getty images).

Một ngày Thomas xem lại những kỷ vật của gia đình. Cậu vô tình nhìn thấy một tờ giấy gấp nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Thomas tò mò đã mở ra đọc, trước mắt cậu chính là lá thư của thầy giáo năm nào. Trên đó viết:

Con trai ông bà là đứa trẻ đần độn. Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa.

Thomas đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư ấy. Về sau, cậu viết trong nhật ký rằng:

Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, mà nhờ có một người mẹ anh hùng. Cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ.

Trong cuốn tiểu sử cuộc đời mình cũng như rất nhiều bài phỏng vấn khác nhau, Edison luôn nhắc về mẹ với tấm lòng thành kính. Đối với ông, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời. Người đã khiến ông tự hứa với bản thân rằng cần phải làm điều gì đó để bà luôn tự hào về con trai mình.

Mẹ có sức ảnh hưởng sâu sắc trong suốt cuộc đời tôi. Tôi đã luôn là một đứa trẻ bất cẩn. Và với một người mẹ có tính khí khác nhau thì đáng lẽ tôi đã trở nên hư hỏng. Nhưng chính sự kiên định, ngọt ngào, và dịu dàng của mẹ đã tạo nên sức mạnh to lớn để giữ tôi bước đi trên con đường ngay chính. Chính mẹ đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng và chắc chắn về tôi. Và tôi cảm thấy rằng tôi có điều gì đó để sống, một ai đó mà tôi không thể làm cho thất vọng.

Tình yêu thương, niềm tin của mẹ đối với Thomas Edison là cách mà mẹ ông đã biến một cậu bé bị đuổi học do “thiểu năng trí tuệ” thành một thiên tài thế kỷ. Ông đã cống hiến cho nhân loại những phát minh làm thay đổi nền nhân loại của chúng ta.

Người mẹ nuôi dưỡng ước mơ bay lên mặt trăng của Armstrong

Tại một vùng nông thôn ở miền Nam nước Mỹ, có một cậu bé vui vẻ nhảy nhót dưới ánh trăng. Người mẹ nhìn thấy cảnh này, tò mò hỏi: Con đang làm gì vậy?

Cậu bé chỉ vào mặt trăng và hào hứng nói: Con muốn lên mặt trăng! Người mẹ đã bị sốc bởi ý tưởng của con trai mình. Nhưng bà vẫn lặng lẽ lắng nghe trí tưởng tượng của đứa trẻ.

Neil Armstrong là một trong những người nổi tiếng nhất trong lịch sử loài người (ảnh chụp màn hình hiển thị trên BBC).

Sau khi trẻ nói xong, người mẹ mỉm cười nói: Tốt, nhưng con phải nhớ về nhà ăn tối đấy nhé!

Nhiều năm sau, hình ảnh người Mỹ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng được chiếu trên ti vi. Và người này không ai khác chính là cậu bé năm đó – Armstrong.

Hãy tưởng tượng, lúc đó, người mẹ không lắng nghe cậu bé nói rồi mắng mỏ cho rằng con mình thật hão huyền. Vậy thì dường như giấc mơ thiên đường trong cậu đã kết thúc. Mấy chục năm sau liệu sẽ có Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng?

Mẹ dạy con tự kỷ thành thiên tài vật lý

Năm 1998, tại Indiana, Mỹ, Kristine Barnett cùng chồng chào đón con trai thứ ba, đặt tên là Jacob Barnett. 14 tháng tuổi, Jacob ngừng giao tiếp với mọi người. Năm 2 tuổi, cậu bé được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ Asperger. Cậu phải tham gia điều trị chuyên sâu với các nhà tâm lý 60 giờ một tuần.

Sau một năm trị liệu, tình hình của Jacob vẫn không tiến triển. Các nhà tâm lý khuyên Kristine từ bỏ hy vọng. Nhưng ngược lại bà quyết định tự nuôi dạy Jacob tại nhà. Từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Kristine chọn cách phát triển sở thích của con. Bà đặt niềm tin tuyệt đối ở Jacob. Cho phép con khám phá lĩnh vực yêu thích và tự do vui chơi như bạn bè đồng trang lứa.

Ảnh chụp hình hiển thị trên trang VnExpress.

Nhờ phương pháp giáo dục của mẹ, năm 11 tuổi, Jacob được nhận vào Đại học Indiana (Mỹ). Các nghiên cứu về lý thuyết tương đối của Jacob đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong giới thiên văn học. Chỉ số IQ của em đạt khoảng 170 điểm, cao hơn cả Albert Einstein. Jacob Barnett hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý lý thuyết Perimeter ở thành phố Waterloo (bang Ontario, Canada), nơi nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking từng theo học.

Đứng sau thành công của mỗi một con người là một người mẹ nhân hậu, tinh tế, tận tâm và giàu lòng trắc ẩn. Chính niềm tin và tình yêu thương của mẹ là thứ tiếp thêm sức mạnh, động lực để con cái vượt qua khó khăn, chinh phục mọi đỉnh cao và trở thành những thiên tài của thế kỷ.