Nếu có người chống lưng, hàng chục, hàng trăm ‘thủy điện cóc’ như thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, Huế) sẽ dám chống lệnh, cố tình tích nước trái phép; từ đó gây hậu quả đặc biệt lớn cho người dân.

Liên tiếp chống lệnh, tự tiện tích nước

Theo phản ánh của Thanh Niên, Nhà máy thủy điện Thượng Nhật do Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, đã 2 lần không chấp hành lệnh điều tiết lũ của tỉnh Thừa Thiên – Huế trong bão số 9 và bão số 13 (tích nước trái phép).

Điều đáng nói là sau bão số 13, lợi dụng lúc lực lượng giám sát của huyện Nam Đông tạm rút về, thủy điện này lại lén lút tích nước. Sau khi đoàn giám sát quay lại, phát hiện sự việc đã lập biên bản với thủy điện này.

Sự việc trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một thủy điện nhỏ như thủy điện Thượng Nhật lại dám chống cả lệnh của cấp trên, bao gồm cả lệnh của Bộ Công Thương. Hơn nữa, theo nguồn tin từ báo Lao Động, thủy điện này vốn không có trong quy hoạch thủy điện nhỏ ban đầu của tỉnh, chỉ xuất hiện vào những lần điều chỉnh về sau. Nhà máy chỉ có công suất 11MW, mà dân gian gọi là “thủy điện cóc”, nằm len lỏi trong rừng núi đầu nguồn, và chỉ đến khi xảy ra sự cố hai lần “chống lệnh” thì người dân Huế mới biết đến nó.
“Có ai chống lưng mà xem thường pháp luật vậy?”, độc giả ký tên Nguyen Yen Phong viết.

“Giám đốc thủy điện này là ai mà dám chống lệnh của UB tỉnh và cả Bộ Công Thương nữa mới ghê”, độc giả Trang Nguyen Thi hoài nghi.

Vẫn theo thông tin trên báo Lao Động, thì giao dịch lấy đất làm thủy điện giữa dân địa phương và chủ đầu tư diễn ra không êm thuận. Cụ thể, ông Trần Quốc Phụng – Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin, trong quá trình thực hiện dự án đã thu hồi khoảng 154 hecta đất của 187 hộ dân ở xã Thượng Nhật; số tiền đền bù được phê duyệt khoảng 22 tỉ đồng nhưng đến nay chủ đầu tư dự án và người dân vẫn chưa thỏa thuận đền bù xong.

Ảnh chụp màn hình từ báo Thanh Niên.

Lo ngại tạo tiền lệ xấu

Cả người dân và các chuyên gia lĩnh vực môi trường – thủy lợi đã lên tiếng thể hiện sự lo ngại rằng, vụ việc “bất tuân thượng lệnh” của thủy điện Thượng Nhật sẽ tạo tiền lệ xấu. Nếu chính quyền địa phương không quản lý được, thì hàng trăm thủy điện nơi đầu nguồn âm thầm tích nước, sẽ tạo thành những quả bom nước dội lên người dân và tàn phá môi trường.

Tuy nhiên, ngay cả khi không tích nước trái quy định, thì vấn đề tồn tại của các thủy điện này cũng gây nguy cơ lớn. Theo báo Tuổi Trẻ, hiện có khoảng 800 dự án thủy điện nhỏ đã, đang và sẽ được đầu tư trên cả nước theo quy hoạch. Về mặt kinh tế, nhà đầu tư thủy điện rất có lợi nhưng các dòng sông đang bị băm nát, luôn có nguy cơ gây lũ dữ mỗi khi mưa lớn.

TS. Đào Trọng Tứ – trưởng ban điều phối Mạng lưới sông ngòi VN nói với Tuổi Trẻ rằng “xây quá nhiều thủy điện nhỏ thì nguy cơ gây tai họa rất lớn, hầu hết các nhà đầu tư tư nhân khi đề xuất làm dự án đều nói đó là nguồn năng lượng sạch, mang lại lợi ích kinh tế nên địa phương dễ dàng duyệt. Nhưng đến từng nhà máy thủy điện nhỏ sẽ thấy nhiều bất cập. Các thủy điện nhỏ xây dựng ở vùng sâu vùng xa nên nhà đầu tư thường tính toán để giảm tối đa chi phí đầu tư, không loại trừ nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng xây dựng hồ đập”.

Ông Tứ nêu dẫn chứng: “Tôi vừa đi khảo sát tại vùng thượng nguồn sông Mã, dự án thủy điện Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), công suất khoảng 100MW. Vị trí xây dựng công trình nằm bên dưới và tận dụng nguồn nước từ 2 nhà máy thủy điện Trung Sơn, Thanh Trung xả xuống. 

Theo tính toán, nếu dự án này phát điện sẽ đem lại nguồn thu khoảng 1 tỉ đồng/ngày, nhưng 2 năm nay nhà đầu tư đang bỏ dở dự án. Giữa thượng nguồn sông Mã chình ình một khối bêtông khổng lồ cản dòng chảy, tác động tiêu cực tới dòng sông nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm.

Nguyên nhân của việc cấp phép ồ ạt dự án thủy điện nhỏ một phần do quy trình bổ sung dự án mới vào quy hoạch khá dễ dàng. Chỉ cần nhà đầu tư thấy có tiềm năng làm dự án là họ bằng mọi cách vận động địa phương bổ sung dự án vào quy hoạch. Dường như các thủy điện nhỏ và vừa đang được làm bằng mọi giá, nhà đầu tư chỉ cố đặt cho được tuôcbin phát điện trên sông suối để thu tiền”.

Ông Tứ còn chỉ ra một đặc điểm nữa của các thủy điện nhỏ, khiến nhiều người lo lắng: “Dự án thủy điện nhỏ thường đưa mực nước chết của đập lên rất cao, tức tích nước phát điện. Trong khi lũ về, chúng thường xả thẳng xuống hạ du”.

Chính vì các vấn đề này, theo chuyên gia, “về lâu dài nên cân nhắc cấp phép bao nhiêu thủy điện trên một dòng sông là đủ, đừng chỉ thấy đặt được tuôcbin phát điện là làm nhà máy”.

Từ Khóa: