Theo TechCrunch, động thái này diễn ra sau khi Pakistan đưa ra những lo ngại về nội dung của các video trên ứng dụng TikTok.

Vào tối 9/10, Cơ quan Viễn thông Pakistan đưa ra tuyên bố rằng: “TikTok không tuân thủ các quy định, do đó ứng dụng này sẽ bị chặn” ở Pakistan. Cơ quan này cũng nhận được “một số đơn khiếu nại từ các cá nhân khác nhau trong xã hội” về các đoạn video trên TikTok.

Theo cuộc phỏng vấn của TechCrunch, một số người dân tại Pakistan nói rằng không thể truy cập vào được ứng dụng TikTok, cũng như trang web của nó.

Cơ quan Viễn Thông Pakistan cho biết trong một tuyên bố: “TikTok đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo, về việc xem xét quyết định theo một cơ chế thỏa đáng với TikTok để kiểm duyệt nội dung bất hợp pháp”.

Động thái của Pakistan là một gáo nước lạnh dội vào Bắc Kinh, vì Pakistan vốn là một đồng minh thân cận của Trung Quốc.

1831-screen-shot-2020-10-10-at-131650
Thủ tướng Pakistan Imran Khan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 4/2019 (ảnh chụp màn hình VOA).

Tạp chí Phố Wall (WSJ) hôm 9/10 viết: “Pakistan coi Trung Quốc là đồng minh đáng tin cậy nhất và coi nước này là đối tác chiến lược trong nhiều thập niên. Pakistan là nơi trình diễn của Bắc Kinh cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trên toàn cầu”.

Các nước cấm TikTok

Trước khi Pakistan ra lệnh cấm TikTok, thì Ấn Độ cũng đã có động thái tương tự. Nước này cấm TikTok, Bigo và 57 ứng dụng khác do Trung Quốc phát triển vì lo ngại an ninh mạng.

Ấn Độ từng là thị trường nước ngoài lớn nhất của TikTok với hơn 200 triệu người dùng.

Ông Khalid, giám đốc điều hành tại Bykea cho biết, cũng như Ấn Độ, TikTok vô cùng phổ biến ở Pakistan.

TechCrunch nhận định, tương lai của ứng dụng này cũng vô cùng mơ hồ tại Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh cấm giao dịch với ByteDance, công ty mẹ của TikTok kể từ ngày 20/9. Lệnh cấm cũng ngăn cho người dùng Mỹ tải xuống ứng dụng của TikTok trên các thiết bị di động.