Hiện tượng cua nuôi ở Cà Mau chết hàng loạt thời gian qua liên quan đến loại ký sinh trùng giáp xác chân tơ.

Thông tin trên được báo Lao Động dẫn từ kết luận của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu. Ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim cua được xác định là nguyên nhân khiến cua chết hàng loạt.

Điều lo ngại là hiện nay chưa có thuốc đặc trị loại bệnh này. Trong khi đó, nắng nóng tiếp tục kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao, sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển; có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho người nuôi tôm, cua.

Hiện nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ người nuôi cua bị thiệt hại bởi tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng giáp xác chân tơ.

cua chết 5
Cua chết bất thường trên diện rộng tại Cà Mau (ảnh chụp màn hình báo Dân Việt).

Theo báo Người Lao Động, những ngày qua tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) xảy ra tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm chết bất thường với mức độ thiệt hại từ 30 – 100%.

Huyện Năm Căn có khoảng 15.000 ha nuôi cua kết hợp trong vuông tôm, sản lượng 5000-6.000 tấn mỗi năm. Hiện phần lớn diện tích nuôi cua xảy ra tình trạng chết nhiều bất thường.

Người dân địa phương cho biết, thời điểm này hằng năm cua nuôi dễ bị thiệt hại nhưng chưa bao giờ bị chết hàng loạt như năm ngoái và như năm nay. Trong đó, cua chết năm nay còn có chiều hướng còn phức tạp hơn năm trước.

Hồi mùa khô năm 2021, cua biển nuôi ở các huyện này cũng bị chết. Sau khi lấy mẫu, ngành hữu trách xác định cua chết do nhiễm ký sinh trùng Sacculina.