Bất ngờ nhận được tin nhắn đề xuất làm phục vụ trong 1 quán cơm trong 30 phút được 60 triệu đồng, cựu Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM đã lập tức nhận lời để lấy tiền xây nhà cho 1 hộ nghèo khó ở Hà Giang; Hải Phòng liên tiếp từ chối đề xuất của Hải Dương về thông thương hàng hoá; Trung Quốc phản bác chỉ trích của TT Biden…

Dưới đây là thông tin chi tiết:

Bản tin Covid-19 ngày 24/2

Một người đàn ông tử vong khi đang điều trị cách ly

Theo Tuổi trẻ, anh L.Q.M., sinh năm 1984 (quê Ninh Thuận), về đã đi qua phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM, nơi có dịch rồi sau đó quê vợ ở tỉnh Thanh Hoá ăn tết từ ngày 5/2.

Trong những ngày về Thanh Hoá, anh L.Q.M. có biểu hiện khó thở, ho và đã mua thuốc, điều trị tại Trạm y tế xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, Thanh Hoá. Đến sáng 21/2 bệnh nặng hơn nên anh M. đi khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn. Sáng 23/2, anh M. sốt cao, có dấu hiệu viêm phổi, bệnh tiến triển nhanh, có các cơn ngưng thở, ngừng tim. Đến 15h ngày 23/2 thì anh M. tử vong. Xét nghiệm 2 lần đều cho kết quả âm tính với Covid-19, tuy nhiên Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn bị phong toả luôn từ 17h30 ngày 23/2. Hiện đang truy vết tìm kiếm những người đã tiếp xúc với anh M để làm xét nghiệm.

Xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng
Xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng (ảnh: Bộ Y tế).

Sáng 24/2, thêm 2 ca nhiễm mới tại Hải Dương

Theo Bộ Y tế, trong 12 giờ qua Việt Nam chỉ ghi nhận thêm 2 ca mắc mới đều là những trường hợp F1 liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử Poyun, TP Chí Linh, Hải Dương.

Tổng số ca nhiễm ở Việt Nam lên 2.403 người, trong đó 1.504 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 811 ca.

Hải Phòng làm chặt, Hải Dương lao đao

Theo Tuổi trẻ, vào ngày 23/2, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã ký công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Hải Dương, trong đó vẫn giữ nguyên quy định của Hải Phòng về việc lái xe và phụ xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR tại các đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép trong thời gian 3 ngày gần nhất. Đồng thời xe từ Hải Dương phải xuất trình được hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng…).

Doanh nghiệp ở Hải Dương cho biết yêu cầu lái xe cần có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày để đi qua chốt kiểm dịch là không thể thực hiện được, bởi CDC Hải Dương đã quá tải và tạm dừng nhận xét nghiệm nhỏ lẻ.

Tính từ đầu tháng 2-2021 đến nay, UBND tỉnh Hải Dương đã có 4 công văn gửi tới TP Hải Phòng. Tuy nhiên, UBND TP Hải Phòng cho rằng không cần phải triển khai phương án lưu thông hàng hóa như Hải Dương đề xuất.

Cựu Phó chủ tịch UBND quận 1 TP.HCM làm công 30 phút nhận 60 triệu đồng để xây dựng 1 căn nhà cho trường hợp khó khăn tại tỉnh Hà Giang

Theo báo Doanh nghiệp tiếp thị vào ngày 23/2, ông Đoàn Ngọc Hải, cựu Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP. HCM hiện sống tại Huế đã từng có mong muốn sẽ làm việc ở một nhà hàng hoặc khách sạn trong 6 giờ để có 60 triệu đồng dành cho việc xây dựng 1 căn nhà cho 1 trường hợp khó khăn tại huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang).

1 đại gia giấu tên của Quán cơm 5.000 đồng dành cho người nghèo TP Huế (địa chỉ tại 101A Hồ Đắc Di, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) biết được nguyện vọng này của ông Hải và đã thông qua đại diện của Quán cơm này nhắn tin cho ông Hải vào ngày 22/2, đề xuất ông đến làm việc tại quán này trong 30 phút ngày 23/2 để phục vụ cơm trưa cho người có hoàn cảnh khó khăn tại đây; đổi lại ông sẽ nhận được tiền công là 60 triệu.

Ông Hải đồng ý ngay lập tức và vào lúc 11h30 ngày 23/2, ông Hải đã có mặt ở Quán cơm, trực tiếp lấy cơm, thức ăn, canh cho vào khay và trực tiếp đưa đến từng bàn ăn. Các thực khách khá ngạc nhiên khi được ông Hải phục vụ nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ.

Cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM làm công việc phục vụ tại quán cơm
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Đoàn Ngọc Hải làm công việc phục vụ tại 1 quán cơm 5000 đ ở Huế (ảnh chụp màn hình video).

Trung Quốc phản bác các chỉ trích của Tổng thống Mỹ Biden

Theo trang tin của Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị an ninh Munich hôm 19/2. Ông Biden đã phát biểu rằng, các nước cần phải cùng nhau đẩy lùi nạn lạm dụng kinh tế và ép buộc của chính phủ Trung Quốc. Đồng thời khẳng định các biện pháp của Trung Quốc đã làm tổn hại tới các nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế.

Theo US News ngày 22/2, phản ứng với lời phát biểu này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng, đại đa số các quốc gia trên thế giới đều cho rằng sự phát triển của Trung Quốc không phải là nguy cơ mà là cơ hội cho kinh tế toàn cầu. Đồng thời ông Uông khẳng định, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã thúc đẩy một cách tích cực hợp tác cùng có lợi, góp phần tăng cường động lực và niềm tin cho tăng trưởng của kinh tế thế giới. Ông nói Trung Quốc, Mỹ và EU đều là lực lượng quan trọng bảo vệ sự phát triển phồn vinh và hòa bình ổn định của thế giới, do đó các bên đều cần thực hiện và bảo vệ chủ nghĩa đa phương.

Trưởng đặc khu Hồng Kông: “chính quyền trung ương vô cùng lo ngại”

Theo CTV News ngày 23/2, Carrie Lam cho biết Trung Quốc cần cải cách hệ thống bầu cử tại Hồng Kông. Bà nói: “Rõ ràng đã đến lúc các cơ quan trung ương phải hành động để giải quyết tình hình, bao gồm cải cách bầu cử. Tôi có thể hiểu rằng chính quyền trung ương vô cùng lo ngại. Họ không muốn tình hình tồi tệ thêm”.

Trưởng đặc khu hồng kông ủng hộ Trung quốc cải cách bầu cử ở Hồng Kông
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam tổ chức một cuộc họp báo sau khi cô nhận được vắc-xin coronavirus Sinovac COVID-19 của Trung Quốc tại Trung tâm Tiêm chủng Cộng đồng ở Hồng Kông vào ngày 22 tháng 2 năm 2021. (Ảnh của Anthony WALLACE / AFP)

Trước đó, ông Hạ Bảo Long, giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau của Trung Quốc đại lục cho biết Trung Quốc cần tiến hành cải cách “nhằm đảm bảo nhiệm vụ quản lý Hong Kong nằm dưới sự kiểm soát vững chắc của những người yêu nước” và “việc cải thiện hệ thống bầu cử liên quan phải do chính quyền trung ương lãnh đạo”.

Xem thêm video bản tin ngày 24/2