Hà Nội lập kỷ lục 133 ca mắc trong ngày; Việt Nam có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất ở độ tuổi 50-64; Ca mới Bình Dương lại vượt Sài Gòn; Lực lượng chống dịch rải xương rồng gai chặn lối đi; Lời khai của 2 nghi phạm khai trói chân bé trai 8 tuổi để ở nhà hoang…là những tin nổi bật của bản tin sáng ngày 30/8/2021.

Dưới đây là thông tin chi tiết:

Việt Nam có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất ở độ tuổi 50-64

Theo Tuổi trẻ, qua phân tích dữ liệu 5.575 ca tử vong đủ thông tin, độ tuổi bệnh nhân tử vong gặp nhiều nhất ở Việt Nam không phải là số người quá già mà là nhóm người ở độ tuổi từ 50 – 64 tuổi. Tiếp đến là 64 – 75 tuổi; có 0,6% bệnh nhân tử vong ở 18 – 29 tuổi; 2,2% từ 30 – 39 tuổi, 4,3% từ 40 – 49 tuổi.

Bên cạnh đó, trong tháp điều trị 3 tầng cho bệnh nhân Covid-19 thì hơn 77% số ca tử vong lại đến từ tầng thứ 2 (không phải là tầng cho BN nặng).

Trong số ca tử vong cho đến nay, có đến 80% ở TP.HCM, tiếp theo là Bình Dương 7,5%, Long An 2,5%, Tiền Giang 1,9%, Đồng Nai 1,7%, Đồng Tháp 1,2%, các địa phương còn lại từ 0,6% trở xuống.

Hà Nội lập kỷ lục 133 ca mắc trong ngày

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (HCDC) đưa tin, Hà Nội lập kỷ lục có số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước đến nay, lên đến 133 ca mắc COVID-19 mới.

Cụ thể, ghi nhận 4 ca ngoài cộng đồng và 129 ca phát hiện trong khu cách ly. Tập trung nhiều nhất ở ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Chỉ trong 5 ngày ổ dịch này ghi nhận hơn 200 ca mắc. Trong 39 ca tại điểm dịch phường Thanh Xuân Trung vừa công bố tối nay, có nhiều trường hợp xét nghiệm tới lần thứ 3 (lấy mẫu hôm 28/8) mới phát hiện dương tính.

Hà Nội lập kỷ lục 133 ca mắc trong ngày
Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 quy mô 500 giường ở ngõ 587, đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/9/2021 tới (ảnh: Ngọc Linh).

Kế đến là ổ dịch Hoàng Mai liên quan đến các lái xe luồng xanh từ TP.HCM về.

Như vậy, kể từ đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4/2021 TP đã ghi nhận 3.091 ca mắc Covid-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.534 ca.

Vào ngày 1/9 tới, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Y Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Bệnh viện này được xây dựng tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, là cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với quy mô 500 giường. Bệnh viện này sẽ tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch do các cơ sở y tế chuyển đến.

Ca mới Bình Dương lại vượt Sài Gòn

Tối 29/8 Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.663 ca nhiễm mới với 44 ca nhập cảnh và 12.619 ca trong nước (5.712 ca cộng đồng). Đứng đầu là Bình Dương với 5.414 ca, tiếp đến là TP. HCM (4.957), Long An (533), Đồng Nai (377), Tây Ninh (234)…Như vậy ca nhiễm mới ở Bình Dương lại vượt TP. HCM và vượt ngưỡng 5.000 ca mới/ngày.

Hà Nội ra thông báo khẩn đối với người dân trên địa bàn

Do tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp tại Hà Nội, hôm qua 29/9, CDC Hà Nội đã ra thông báo khẩn đề nghị tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19. Hoặc liên hệ CDC Hà Nội (0969082115 hoặc 0949396115) để được tư vấn.

Lực lượng chống dịch rải xương rồng gai chặn lối đi

Theo tờ Thanh Niên, lực lượng phòng chống dịch của P. Hoài Tân, tỉnh Bình Định dùng xương rồng gai đã chặn 6 lối đi mà chính quyền địa phương yêu cầu đóng kín để phòng chống dịch Covid-19 .

Về phía chính quyền, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch phường Hoài Tân cho biết, việc dùng xương rồng rào đường được thực hiện sau khi một tài xế đường dài ở địa phương né chốt kiểm dịch, không khai báo y tế, lén về nhà trong đêm; sau đó người này dương tính với Covid-19.

Lực lượng chống dịch rải xương rồng gai chặn lối đi
Một lối đi bị chặn bởi gai xương rồng được chia sẻ trên Facebook (ảnh: Châu Thanh).

Sự việc này gây xôn xao ở mạng xã hội. Người khen cho rằng đây là cách chống dịch “đậm chất cây nhà lá vườn”, “tiết kiệm – hiệu quả”; “độc đáo – sáng tạo”.

Người chê cho rằng, nếu ai đó (không loại trừ chính lực lượng chống dịch) chẳng may ngã hay đạp trúng vào đám xương rồng gai này thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, hình ảnh rào chắn kiểu này cũng gây phản cảm; nên lập chốt kiểm soát.

Lời khai của 2 nghi phạm khai trói chân bé trai 8 tuổi để ở nhà hoang

Theo Dân Việt, vào chiều 29/8, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, khoảng tối ngày 28/8, Công an huyện Hậu Lộc nhận được tin báo của gia đình anh T.D.T. (ở thị trấn Hậu Lộc) về việc con trai anh là cháu T.D.A.Đ. (SN 2013) không thấy về nhà.

Đến khoảng 22h cùng ngày, công an đã tìm thấy con trai 8 tuổi của anh tại một ngôi nhà hoang, cách nhà khoảng 1km (ở tiểu khu Trung Thắng, thị trấn Hậu Lộc). Cậu bé ở trong tình trạng cổ có nhiều băng dính cùng với một chiếc khăn, tay có nhiều vết bầm tím và chân vẫn còn bị băng dính bó xung quanh.

Hai nghi phạm khai lý do bịt mồm, trói chân bé trai 8 tuổi để ở nhà hoang
Hai nghi phạm bắt giữ, trói cháu bé 8 tuổi rồi cướp dây chuyền bạc (ảnh: Dân Việt).

Từ lời khai của cháu T.D.A.Đ., vào 23h ngày 28/8, Công an huyện Hậu Lộc đã bắt giữ được Lê Văn Chiến và Lê Văn Quyết khi 2 đối tượng đang lẩn trốn.

Tại cơ quan công an, 2 đối tượng trên khai nhận do nghiện game trên mạng Internet nên đã rủ nhau đi cướp dây chuyền trên cổ cháu T.D.A.Đ. bán lấy tiền mua thẻ cào chơi game.

Mời quý vị xem video bản tin Covid-19 sáng ngày 30/9/2021