Lùm xùm bớt xén bữa ăn của VĐV bóng bàn trẻ: HLV nói ‘giữ tiền hộ’ các em; Quốc lộ 20 – cung đường ‘tử thần’… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 4/10/2023.

Hàng trăm nhà dân ngập nặng do lũ

Sáng 3/10, lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với mưa lớn liên tục hai ngày qua đã làm mực nước ở suối Rạt dâng nhanh và gây ngập sâu cục bộ nhiều vùng trũng ở huyện Đồng Phú và TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

nhà ngập tận nóc
Ảnh chụp màn hình trên báo VnExpress.

Tại huyện Đồng Phú nhiều diện tích hoa màu, cây trồng ngập nặng như Thuận Lợi, Tân Phước, Đồng Tiến với gần 1.000 ha. Xã Tân Phước có 23 hộ thuộc 2 ấp Phước Tâm và Cầu Rạt ngập úng cục bộ, có nơi ngập sâu hơn một mét, người dân được lực lượng chức năng hỗ trợ di dời đồ đạc.

Tương tự, mưa lũ đã làm một số vùng trũng thấp ven suối Rạt thuộc các phường Tân Đồng, Tân Thiện và Tân Xuân thuộc TP. Đồng Xoài bị ngập lụt. Nước suối Rạt dâng nhanh gây ngập các đường thuộc những phường trên. Nhiều khu vực trũng ngập sâu hơn một mét ảnh hưởng nhà, cây trồng, vườn rau của người dân (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Bắt 2 nguyên phó giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Gia Lai

Ngày 4/10, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Công an TP. Pleiku vừa phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 3 bị can về tội “nhận hối lộ” và “môi giới hối lộ”.

Các bị can bị bắt giữ gồm: Cao Anh Tuấn (sinh năm 1982, trú tại phường Tây Sơn, thành phố Pleiku); Hoàng Nam Đàn (sinh năm 1984; trú tại phường Hoa Lư, thành phố Pleiku). Hai người này là nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D.

Ngoài ra, công an còn bắt giữ Trần Xuân Hải (sinh năm 1971; trú tại phường Trà Bá, TP. Pleiku) để điều tra về tội “môi giới hối lộ” (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).

Lùm xùm bớt xén bữa ăn của VĐV bóng bàn trẻ: HLV nói ‘giữ tiền hộ’ các em

Liên quan đến thông tin bữa ăn của các tuyển thủ trẻ bóng bàn quốc gia có dấu hiệu bị bớt xén, các tuyển thủ trẻ “ăn không đủ no”, các cơ quan liên quan vừa có cuộc làm việc về vấn đề này.

Làm việc với đoàn công tác, ông Bùi Xuân Hà, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, cho biết kể từ khi được giao về Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) để ăn ở, luyện tập, đội tuyển bóng bàn trẻ đã ăn uống ở bếp ăn của khu liên hợp.

Hàng tháng, sau khi nhận tiền ăn (320.000 đồng/người/ngày) từ Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Nhổn, ông Hà giao cho bộ phận bếp ăn 270.000 đồng/người/ngày, 50.000 đồng giữ lại để mua nước, thực phẩm chức năng để phục vụ cho hoạt động huấn luyện.

“Bản thân tôi cũng thấy những bữa ăn này còn đơn giản quá. Tôi cũng đã nhiều lần đấu tranh, ý kiến với bộ phận bếp ăn, nhất là với chị Quỳnh – người phụ trách bếp ăn. Hàng tháng giao tiền ăn cho bộ phận bếp ăn, không có hợp đồng hay kí nhận gì” – ông Hà nói.

Theo ông Hà, từ tháng 4-2023 đến nay, việc thu tiền của các tuyển thủ trẻ hàng tháng là để tiết kiệm cho các cháu. Một cuốn sổ tay ghi chép số tiền hàng tháng và danh sách các vận động viên trẻ được ông Hà gửi lại đoàn công tác.

Sau khi báo chí phản ánh, bếp ăn của khu liên hợp đã tạm đóng cửa. Các tuyển thủ trẻ bóng bàn phải ăn uống bên ngoài (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).

Quốc lộ 20 – cung đường ‘tử thần’

Hơn một tuần qua, quốc lộ 20 đi qua huyện Định Quán (Đồng Nai) xảy ra ít nhất bốn vụ tai nạn liên quan xe tải, ôtô khách và xe máy làm 6 người chết, 4 người bị thương. Gần đây nhất, ôtô giường nằm Thành Bưởi chở 32 khách tông trực diện xe 16 chỗ trên tuyến đường này, khiến 5 người tử vong.

Tai nạn giao thông trở thành nỗi ám ảnh của người dân ở bên đường. Ông Nguyễn Văn Minh, 45 tuổi, sống bên quốc lộ 20 đoạn qua xã Phú Vinh, huyện Định Quán, cho biết ban đêm ôtô chạy nườm nượp qua tuyến. Nhiều xe khách chạy nhanh, bật đèn pha làm lóa mắt người đi đối diện hoặc bấm kèn inh ỏi buộc xe khác nhường đường. Ban ngày khi đường vắng, ôtô thường lấn làn, vượt trái, người đi xe máy phải chạy sát vào lề mới đảm bảo an toàn.

“Cứ vài hôm trên đường lại xảy ra tai nạn”, ông Minh nói.

tắc đường
Ảnh chụp màn hình trên báo VnExpress.

Theo đại diện Khu quản lý đường bộ 4, Cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải), quốc lộ 20 là trục đường kết nối TP. HCM với Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, mật độ xe rất cao. Tuy nhiên tuyến chỉ hai làn xe mỗi chiều, không có dải phân cách giữa. Nhiều xe thường xuyên chạy nhanh, không giữ khoảng cách an toàn.

Mặt khác cung đường qua tỉnh Lâm Đồng có nhiều đồi núi, một số đoạn đèo với các khúc cua rất gấp, dốc cao, dày đặc sương mù rất nguy hiểm với tài xế. Còn đoạn qua tỉnh Đồng Nai lại có nhiều khu dân cư, mặt đường hẹp, có nơi chỉ rộng 6-7 m dễ dẫn tới va chạm xe.

Áp lực chở khách và hàng đúng giờ được cho là nguyên nhân quốc lộ 20 thường xảy ra tai nạn. Nhiều năm chạy xe chở rau từ Đà Lạt đi chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP. HCM), tài xế Phạm Hoài, 36 tuổi, cho biết rau sẽ được đóng lên xe vào cuối buổi chiều để đến nơi tiêu thụ lúc rạng sáng. “Lái xe chỉ có khoảng 6 giờ để đi từ Đà Lạt về TP HCM dài hơn 350 km, nên phải chạy cho kịp, nếu quá trễ sẽ bị trừ một phần lương”, anh Hoài nói.

Theo anh Hoài, nhiều khi tài xế phải đua nhau chạy để đến chợ sớm do lúc đó các tiểu thương từ các chợ nhỏ đợi sẵn để lấy hàng. Người cầm lái thường không ngủ đủ giấc lại chạy giữa khuya khó giữ được sự tỉnh táo. Trong khi đó ở chiều ngược lại, ôtô chở khách du lịch tuyến TP. HCM – Đà Lạt cũng tranh thủ buổi đêm chạy nhanh để tăng số chuyến (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Có thể bạn quan tâm: