Trong vòng 1 tuần (từ 29/4 đến 5/5/2022), TP.HCM đã ghi nhận 420 trẻ mắc tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước.
- Giám định hiện trường vụ bé trai người Nhật tử vong ở hồ bơi resort
- Nắp chắn rác ở cầu Thủ Thiêm 2 được thay bằng tấm gỗ
- Video: Đỉnh cao của đỗ xe, bác tài biểu diễn luôn cả vào lẫn ra
Tối ngày 9/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin, trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 936 trường hợp mắc tay chân miệng. Trong đó, 95% ca bệnh từ 1-5 tuổi.
Riêng trong tuần từ ngày 29/4 đến 5/5, TP có 420 ca tay chân miệng, tăng gấp gần 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh tăng ở cả nhóm bệnh nhi nhập viện nội trú và khám ngoại trú.
Số ca tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận, huyện và TP. Thủ Đức, đặc biệt ở quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn và TP. Thủ Đức.
HCDC cho biết thêm, đợt dịch tay chân miệng gần nhất tại TP.HCM xảy ra vào năm 2020 với 16.361 ca mắc, không ghi nhận ca tử vong. Đối tượng chủ yếu vẫn là trẻ trong độ tuổi đi học.
Các chuyên gia y tế dự đoán các dịch bệnh thường niên tại TP.HCM như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay, sau khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường do gián đoạn vì dịch Covid-19. Do đó, phòng ngừa dịch bệnh từ sớm là điều rất quan trọng.
Chia sẻ với VietNamNet, bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan, Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, số ca mắc tay chân miệng được dự báo sẽ tăng từ khi trẻ nhỏ đi học trở lại. Nguyên nhân do trẻ tăng tiếp xúc và các hoạt động vui chơi có tập trung đông người. Khi càng nhiều trẻ mắc bệnh sẽ kéo theo ca nặng xuất hiện, độ tuổi mắc bệnh cũng mở rộng hơn.
Bác sĩ Hạnh Đan lo ngại, mùa tay chân miệng năm nay không theo mô hình dịch tễ những năm trước do tác động của Covid-19. Giới chuyên môn chưa đánh giá được virus gây bệnh có biến đổi hay không, nguy cơ trẻ vừa nhiễm Covid-19 vừa bị tay chân miệng cũng khiến việc điều trị thêm khó khăn.
Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng từ tháng 3 – 5 và tháng 8 – 9 hằng năm.
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.