Chỉ từ cuối năm 2020 đến nay, căn bệnh trâu bò nổi cục đã gây ra gần 200 ổ dịch ở 18 tỉnh, thành tại Việt Nam. Nhiều người thắc mắc liệu loại bệnh này có gây dịch cho con người?

Hàng nghìn con trâu bò mắc bệnh kỳ dị

Tính đến chiều 8/3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình  xác nhận bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương này, khiến hơn 100 con trâu bò mắc bệnh

Theo báo Dân Việt, ông Nguyễn Công Viên – Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) xuất hiện bệnh mới trên đàn trâu, bò. Triệu chứng là trâu, bò sốt cao, giảm ăn, trên cơ thể nổi các u cục, tốc độ lây lan rất nhanh. Từ 1 con bò bị bệnh, đến nay, bệnh đã lây ra hơn 100 con và có 2 con bị chết.

“Huyện Quảng Trạch đã công bố dịch, xã cũng thành lập đội phản ứng, chống dịch trên địa bàn. Hiện chúng tôi đã khoanh vùng dịch, các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai ”, ông Nguyễn Công Viên nói.

Trước đó, vào tháng 10/2020, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được xác định là chứng bệnh “lạ”, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Trong tháng 3/2021, đã xảy 184 ổ dịch tại 163 xã thuộc 65 huyện của 18 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh trên 2.200 con, với gần 300 con chết và tiêu hủy.

Tại xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, bò có biểu hiện nổi các u cục dưới da tại nhiều vị trí (ảnh: sonnptnt.backan.gov.vn).

Bệnh có lây sang người?

Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn thông tin từ Cục Thú y cho biết, bệnh viêm da nổi cục, còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virrus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.

Virus này có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 55 độ C trong 2 giờ, 65 độ C trong 30 phút. Virus có thể được hồi phục từ những nốt sần trên da được giữ ở nhiệt độ -80 độ C trong 10 năm.

Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: Sốt cao, có thể trên 41độ C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi).

Khi mắc bệnh, trâu bò có các nốt sần có đường kính từ 2 – 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.

Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 – 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 – 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 – 14 ngày.

Côn trùng chân đốt được xem là véc tơ truyền bệnh viêm da nổi cục. Mặc dù đến nay chưa xác định được véc tơ truyền bệnh cụ thể, muỗi, ruồi cắn và ve đực có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm lây truyền virus.

Từ Khóa: