Các báo cáo cho biết Trung Quốc liên tục chiếm đất của các nước láng giềng, từ Biển Đông đến dãy Himalaya. Thậm chí, với quốc gia nhỏ bé như Bhutan cũng không thoát khỏi tầm ngắm của Bắc Kinh.

Bhutan là một quốc gia đặc biệt. Quốc gia này nhỏ bé, nhưng không chấp nhận thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tại Bhutan, hạnh phúc của người dân là một chỉ tiêu đo lường sự phát triển của đất nước.

Nhưng giờ đây, hạnh phúc của chính Bhutan đang đứng trước mối đe dọa từ Trung Quốc, theo ông Brahma Chellaney, một nhà địa chiến lược người Ấn Độ và là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có cuốn “Asian Juggernaut: Sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.”

Trong bài bình luận đăng trên Nikkei Asia ngày 22/11, ông Chellaney cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang dùng thủ đoạn lấn chiếm ở Biển Đông đối với Bhutan và các quốc gia láng giềng khác.

Trung Quốc liên tục lấn chiếm lãnh thổ các nước láng giềng

Việc Bắc Kinh xâm chiếm lãnh thổ các nước láng giềng đã được biết đến từ lâu. Sau khi ĐCSTQ xâm lược Tây Tạng vào năm 1950, Bhutan trở thành mắc kẹt giữa 2 nước lớn: Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong khi gặm nhấm lãnh thổ Ấn Độ bằng việc xây dựng làng biên giới, Trung Quốc cũng dùng thủ đoạn tương tự với Bhutan.

“Chủ nghĩa bành trướng của ông Tập đã không tha cho nước láng giềng nhỏ nhất của Trung Quốc”, ông Chellaney viết.

Trung Quốc dùng thủ đoạn chiếm đất như ở Biển Đông

Trung Quốc đã xây dựng một số ngôi làng mới xây bên trong lãnh thổ Bhutan vốn được quốc tế công nhận. Điều đó “chứng tỏ ông Tập đã thực hiện chiến lược Biển Đông đến dãy Himalaya như thế nào”, theo ông Chellaney.

Học giả Ấn Độ phân tích: “Việc xác lập những sự thật như vậy trên thực tế đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược gia tăng lãnh thổ của ông Tập; vì luật pháp quốc tế công nhận các khu định cư dân sự là bằng chứng về sự kiểm soát hiệu quả của một quốc gia đối với một khu vực. Điều này giải thích tại sao các ngôi làng nhân tạo đã được tạo ra trên địa hình Himalaya khắc nghiệt, giống như các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông“.

Ông Chellaney cho biết, ĐCSTQ không chỉ “bằng lòng với những cuộc xâm phạm lén lút như vậy”, mà Bắc Kinh còn công nhiên tuyên bố lãnh thổ đối với một vùng đất mà Trung Quốc không có chút biên giới nào.

Ông Chellaney viết: “Trung Quốc năm ngoái đã tuyên bố chủ quyền đối với Khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng đầy hoa đỗ quyên của Bhutan, trải rộng trên 741 km vuông và được biết đến với hệ động thực vật độc đáo, bao gồm các loài có nguy cơ tuyệt chủng như gấu trúc đỏ, sơn dương Himalaya, gorals, voọc đen, gấu đen Himalaya và hươu sủa”.

“Yêu sách mới đối với lãnh thổ cực đông của Bhutan là không bình thường vì Trung Quốc không có biên giới chung ở đó, đây là một khu vực chỉ có thể được tiếp cận thông qua bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ”.

Ông Chellaney cho rằng: Khi làm như vậy, Bắc Kinh đang thúc đẩy yêu sách của mình cùng lúc chống lại cả Bhutan và Ấn Độ.

Ông Chellaney nhận định: “Về cơ bản hơn, bằng cách sử dụng các chiến thuật Biển Đông để đơn phương thay đổi hiện trạng thực tế, Trung Quốc đang đặt ra ‘sự đã rồi’ về lãnh thổ và quân sự đối với một Bhutan bất lực”.

Bài bình luận của ông Chellaney là một trong nhiều báo cáo đáng lo ngại về hành vi gây hấn của Trung Quốc với các nước láng giềng. Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không ít lần cam đoan Bắc Kinh không tìm cách giành bá quyền, “không ỷ lớn hiếp bé”, “đã, đang, và sẽ luôn là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt” của các nước trong khu vực.

Từ Khóa: