Ở quần đảo Trường Sa lúc nào cũng có thể có tới 300 tàu dân quân Trung Quốc; Bắc Kinh đang dùng thủ đoạn “gặm nhấm” lãnh thổ các nước láng giềng.
Dưới đây là bản tin thế giới ngày 19/11/2021 của MUC News:
Tóm tắt nội dung
Trung Quốc trợ cấp 86 triệu đồng/ngày cho mỗi tàu dân quân
Straits Times đưa tin, báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết Trung Quốc cố tình mở rộng lực lượng dân quân hàng hải ở Biển Đông như một phần thủ đoạn thúc đẩy yêu sách trong khu vực.
Báo cáo cho biết có thể có tới 300 tàu dân quân Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa vào bất kỳ thời điểm nào.
Trung Quốc dùng các tàu cá như vậy để thực hiện các hành vi hung hăng, xua đuổi các tàu các nước khác. Khi sự cố xảy ra, Bắc Kinh chỉ việc lấy cớ đó là “tàu thương mại” không liên quan gì đến chính quyền.
Nhưng báo cáo của CSIS nhận định đa số các thuyền viên là do chính quyền trả lương, hoạt động như các gián điệp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vì vậy, “Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm pháp lý về các hành vi của mình”, báo cáo kết luận.
Theo SCMP, báo cáo của CSIS cho biết chính phủ Trung Quốc trợ cấp tiền nhiên liệu cho các tàu dân quân. Cụ thể, với tàu dài ít nhất 55 mét với công suất động cơ ít nhất 1.200kW hoạt động ở quần đảo Trường Sa, thì nó nhận được khoản trợ cấp nhiên liệu là 24.175 nhân dân tệ (khoảng 86 triệu đồng) một ngày.
Trung Quốc tố ngược Philippines về vụ phun vòi rồng ở Biển Đông
Sau khi bị giới chức Philippines lên án về vụ 3 tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào 2 tàu tiếp tế Philippines, Bắc Kinh đã lên tiếng phản bác. Giới chức Trung Quốc cáo buộc rằng các tàu Philippines đã xâm phạm lãnh hải theo yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Trung Quốc xây thêm ngôi làng thứ 2 ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ
Times of India đưa tin, các bức ảnh chụp từ vệ tinh mới công bố cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một ngôi làng thứ hai ở khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ.
Quân đội Ấn Độ hôm 18/11 cho biết ngôi làng này nằm ở phía bắc của đường kiểm soát thực tế (LAC), trong khu vực do Trung Quốc kiểm soát. Có thể nhìn thấy ngôi làng hiện có 60 tòa nhà.
Bài báo cho biết Trung Quốc đang tiếp tục dùng thủ đoạn “gặm nhấm” lãnh thổ của các nước láng giềng như Ấn Độ, Bhutan. Trước đó, ảnh vệ tinh đã tiết lộ vị trí ngôi làng thứ nhất mà Trung Quốc xây dựng có khoảng 100 hộ dân.
Hồ Tích Tiến: Bành Soái sẽ không bị trả thù
Tới nay vẫn chưa có tung tích về tay vợt Bành Soái, sau khi cô tố cáo cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ ép cô phải trao thân trong nhiều năm.
Trong khi cộng đồng quốc tế lo ngại về sự an toàn của cô, một nhân vật nổi tiếng bảo vệ cho chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng bình luận. Tổng Biên tập báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến hôm nay (19/11) tuyên bố Bành Soái sẽ không bị trả thù.
Reuters đưa tin, ông Hồ Tích Tiến viết trên Twitter, mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc: “Là một người quen thuộc với chế độ Trung Quốc, tôi không tin Bành Soái sẽ bị trả thù hay đàn áp, như đồn đoán của giới truyền thông nước ngoài về vụ việc mà người ta đang nói đến”.