Trung Quốc đầu tư dự án khu phức hợp thủy sản lớn tại Papua New Guinea. Dự án này chỉ cách Australia 200km khiến dư luận nước này dấy lên những ngờ vực về động cơ thực sự của Bắc Kinh.

Theo Daily mail, vừa qua Công ty ngư nghiệp Trung Hoằng Phúc Kiến, do chính phủ Trung Quốc kiểm soát, đã ký một bản ghi nhớ với chính phủ Papua New Guinea (PNG) về việc xây dựng khu phức hợp thủy sản trị giá 204 triệu tại đây. Dự án này thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Trung Quốc đầu tư và chiến thuật bẫy nợ quen thuộc với các nước nghèo

PNG là một trong những thành viên nghèo nhất trong APEC; với khoảng 40% dân số sống dưới mức 1 USD một ngày, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc.

Theo BBC, vừa qua quy mô viện trợ và đầu tư của Trung Quốc ở các nước Thái Bình Dương tăng mạnh. Đầu tư của nước này ở PNG tổng cộng khoảng 20,83 triệu USD trong năm 2016. Số tiền này tăng gấp ba lần trong năm sau đó và còn tiếp tục tăng cao.

Nhưng điều Trung Quốc quan tâm ở quốc gia này không có gì mới lạ là cơ sở hạ tầng.

“Trung Quốc xây cho chúng tôi những con đường, cây cầu và họ sẽ tiếp tục làm điều đó”; giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh PNG, Douveri Henao nói trên BBC.

Ngược lại, người dân bản xứ PNG chia sẻ rằng; nước láng giềng Úc từ lâu lại đầu tư nhiều vào các lĩnh vực như giáo dục, quản trị.

Căn cứ quân sự ‘núp bóng’ cảng cá

Việc Trung Quốc xây dựng khu phức hợp nghề cá tại Daru, PNG; chỉ cách Australia 200km khiến dư luận dấy lên những nghi ngại.

Cựu cố vấn chính phủ PNG, Jeffrey Wall cho biết, rất khó khả thi khi đầu tư số tiền 204 triệu đô la tại khu vực không có ngư trường thương mại dồi dào.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia gần đây; các chuyên gia cảnh báo chính quyền Bắc Kinh có thể bí mật biến nơi đây thành căn cứ hải quân án ngữ ngay trước ‘cửa’ Australia.

Eo biển Torres là một eo biển nằm giữa Úc và PNG . Eo này rộng chừng 150 km (93 dặm) ở nơi hẹp nhất. Phía nam của nó là bang Queensland; bang có diện tích lớn thứ nhì và đông dân thứ ba tại Úc.

Trao đổi với ACB, ông Jeffrey Wall cho rằng: “Chúng ta nên cảnh giác cao độ, không chỉ vì nó nằm ở vị trí chiến lược gần với Australia mà còn tiềm ẩn nguy cơ về xung đột quân sự ở eo biển Torres. Tôi nghĩ, trước hết họ (Trung Quốc) sẽ xây dựng một cầu cảng rất lớn để các tàu chiến có thể neo đậu.”

Nghị sỹ liên bang Úc, Warren Entsch cũng đồng quan điểm trên khi trao đổi với Daily Mail: “Tại sao một khu phức hợp thủy sản trị giá hơn 200 triệu USD lại xây dựng tại một khu vực không có tiềm năng thương mại thủy sản?. Tôi cho rằng đây không đơn giản là hoạt động thủy sản mà có những động cơ khác.”

Đánh bắt cạn kiệt, tàn phá ngư trường

Theo ACB nghị sỹ liên bang Warren Entsch Entsch tin rằng; ngay cả không tính đến các động cơ ngầm; dự án do Trung Quốc đầu tư có thể gây ra những tác động nguy ngại cho ngư trường khu vực.

Theo Hiệp ước eo biển Torres, người dân PNG tại khu vực có thể đi lại tự do qua lãnh hải và được phép đánh bắt ở vùng biển của Australia.

“Trung Quốc sẽ tàn phá và cướp bóc tại khu vực này, họ sẽ càn quét các rặng san hô. Hãy nhìn vào những gì họ đã làm ở quần đảo Galapagos; họ phá hủy hoàn toàn ngành công nghiệp đó. Người dân ở eo biển Torres được tiếp cận nguồn hải sản và bây giờ Trung Quốc cũng có quyền đó”; ông Entsch cảnh báo về hậu quả do Trung Quốc gây ra.

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt vô tội vạ khu vực quần đảo Galapagos, Ecuador. Hải quân Ecuador đã phải tăng cường hoạt động tuần tra để giám sát các tàu Trung Quốc.

“Chúng tôi không thể ngăn chặn được việc này, vì PNG là quốc gia có chủ quyền. Họ cũng không thích chúng tôi can thiệp và bảo họ không thể làm gì”, ông Entsch cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Torres; Phillip Ketchell cảnh báo Bắc Kinh có thể sử dụng Hiệp ước eo biển Torres như một “cửa sau” để tiếp cận nguồn cá trong khu vực. Theo đó, người PNG được phép đánh bắt 25% sản lượng tôm hùm trong vùng biển của Australia.

Thỏa thuận mới đối với khu phức hợp thủy sản tại PNG sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc.

Quan hệ Trung Quốc và Australia xấu đi nhanh chóng

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã nhanh chóng xấu đi kể từ khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus Corona xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và lan khắp thế giới, khiến hơn 1,5 triệu người chết.

Đồng thời Bắc Kinh cũng khó chịu với Canberra vì đã lên tiếng về các vấn đề nhân quyền tại Hong Kong, Tân Cương. 

Vừa qua, hai nước liên tục đáp trả lẫn nhau trên phương diện ngoại giao và thương mại.

Với quan hệ đang xấu đi nhanh chóng; dự luận cho rằng các đồng minh lớn sẽ bảo vệ Australia trong cuộc chiến thương mại đang leo thang này.

Các quốc gia như Canada, Anh và Mỹ có thể hợp lực với Australia để đáp trả Bắc Kinh; bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa với hàng hóa, sản phẩm của Trung Quốc.

Căng thẳng quan hệ Trung Quốc và Australia

Năm 2019: Cơ quan tình báo Australia kết luận Trung Quốc chịu trách nhiệm về cuộc tấn công mạng nhằm vào quốc hội Australia và ba đảng chính trị lớn nhất; trước thềm cuộc bầu cử vào tháng Năm.

Tháng 4/2020: Thủ tướng Úc Scott Morrison khởi xướng; cùng các nhà lãnh đạo thế giới tham gia cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Ngày 15/4: Thủ tướng Morrison là một trong số ít nhà lãnh đạo lên tiếng đồng tình với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc buộc Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới phải chịu trách nhiệm về đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Ngày 23/4: Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud kêu gọi các quốc gia thuộc G20 chống lại các ‘chợ thịt sống’ vốn phổ biến ở Trung Quốc và có liên quan đến các trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán.

Ngày 26/4: Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye gợi ý về việc tẩy chay rượu vang, thịt bò Úc và nói rằng khách du lịch, sinh viên có thể tránh Úc ‘trong khi nước này không thân thiện với Trung Quốc’. Canberra bác bỏ lời đe dọa và cảnh báo Bắc Kinh đối với hành vi ‘cưỡng chế kinh tế’.

Ngày 11/5: Bắc Kinh đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà chế biến thịt lớn nhất của Australia. Nguồn xuất khẩu này chiếm hơn 1,1 tỷ đô la của Australia sang Trung Quốc.

Ngày 18/5: WHO ủng hộ cuộc điều tra một phần về đại dịch. Trung Quốc áp thuế 80% đối với lúa mạch của Úc. Australia cho biết họ có thể kiện vấn đề này tại WTO.

Căng thẳng leo thang

Ngày 05/6: Bắc Kinh cảnh báo du khách không nên đi du lịch Úc; cáo buộc phân biệt chủng tộc và chống lại người Trung Quốc liên quan đến viêm phổi Vũ Hán.

Ngày 19/6: Australia cho biết họ đang bị tấn công mạng từ Trung Quốc. Morrison cho biết cuộc tấn công đã nhằm vào các ngành công nghiệp; trường học, bệnh viện và các quan chức chính phủ.

Ngày 09/7: Úc đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông và đề nghị gia hạn thị thực cho 10.000 người Hồng Kông đã ở Úc vì phản đối luật an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Ngày 18/8: Bắc Kinh mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Úc.

Ngày 26/8: Thủ tướng Úc tuyên bố đưa ra quyết sách nhằm ngăn chặn các tiểu bang và vùng lãnh thổ ký thỏa thuận với các nước ngoài; đi ngược lại chính sách đối ngoại của Úc. Các nhà phân tích cho biết quyết sách này nhằm vào Trung Quốc.

Ngày 27/11: Than xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc giảm 96% trong 3 tuần đầu tiên tháng 11, vì bị từ chối nhập cảnh. 

Ngày 28/11: Bắc Kinh áp thuế 212% lên rượu vang Úc xuất khẩu trị giá 1,2 tỷ đô la Úc; tuyên bố chúng bị “bán phá giá” hoặc bán với giá thấp hơn.

Ngày 30/11: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đăng một tấm ảnh giả; cho thấy một binh sĩ Australia đang cười cầm dao cứa vào cổ một đứa trẻ Afghanistan. Động thái này đã khiến người Úc phẫn nộ.

Ngày 12/12: Than Australia chính thức bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen.