Trung Quốc đang phải “ngậm trái đắng” vì chính sách trả đũa nhắm vào ngành than của Úc, theo nhận định của ông Vishnu Varathan – trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược châu Á của Mizuho trên tờ Newbeezer.
Theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Mizhuo, Bắc Kinh cần tăng cường nguồn cung than để tránh suy giảm kinh tế trong quý này. Tuy nhiên, chính sách trả đũa Úc của Trung Quốc có thể gây khó khăn cho mục tiêu này.
Trung Quốc thiếu điện vì ngừng mua than của Úc
Trung Quốc đang trải qua tình trạng thiếu điện nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu sản xuất tăng cao.
Trong khi đó, hầu hết điện năng của Trung Quốc được tạo ra từ than đá. Lượng tồn kho trong các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm.
Ông Varathan bình luận: “Trung Quốc cần rất nhiều than đá nhằm kìm hãm sự suy giảm (kinh tế) trong quý IV. Mối quan hệ căng thẳng với Canberra khiến Bắc Kinh trở nên tồi tệ hơn. Úc là nhà cung ứng than thuận tiện và ổn định nhất cho Trung Quốc”.
Từ cuối năm 2020, Trung Quốc đã ngừng mua than từ Úc – nguồn cung than lớn nhất của Bắc Kinh. Động thái này là một đòn trả đũa của Bắc Kinh sau khi Úc kêu gọi điều tra quốc tế về cách Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19.
Bắc Kinh đã tìm tới Indonesia, Mông Cổ, Nga và các nước khác để bù đắp nguồn cung than thay thế cho Úc. Tuy nhiên, các nguồn cung này chưa thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc trong ngắn hạn.
“Trung Quốc đối mặt với rủi ro vì mua than tăng tốc khiến áp lực trong công tác hậu cần và vướng mắc trong quy định. Điều này cho thấy sự bế tắc trong hoạt động kinh tế và thiết sót trong chuỗi cung ứng”, ông Varathan cho biết thêm.
Bong bóng bất động sản và cú sốc thiếu điện khiến Bắc Kinh có thể suy thoái trầm trọng hơn
Hiện nhiều ngân hàng đã hạ triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc do cuộc khủng hoảng điện. Giới quan sát tỏ ra lo ngại về “một cú sốc năng lượng ở mức độ đáng kể” với nền kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh có thể tăng giá hàng hóa xuất khẩu và nó khiến lạm phát tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển.
Thiếu điện cùng với các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Điều này khiến tình trạng suy thoái trầm trọng hơn.
“Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sẽ bị tác động lớn nhất bởi kế hoạch phân phối điện của Trung Quốc. Những khu vực đang bị “cắt điện luân phiên” chiếm tới 14% GDP của nước này. Đây đều là các tỉnh phát triển mạnh về sản xuất và công nghiệp của Trung Quốc”, ông Varathan cho hay.
Hiện Bắc Kinh không đưa ra bất cứ tín hiệu nào về khả năng nước này tái nhập than của Úc. Tuần trước, các công ty Ấn Độ đã mua lại 2 triệu tấn than của Úc đang bị tồn trong các kho (tại các cảng) ở Trung Quốc. Lượng than này còn được mua với giá chiết khấu.
Phía Úc cũng tăng cường tìm kiếm khách hàng khác sau khi bị Trung Quốc từ chối nhập than. Những tàu chở than của Úc không thể tới Trung Quốc, nhưng đã được chuyển hướng sang các quốc gia khác; khiến đòn trả đũa của Bắc Kinh trở nên vô dụng. Trong khi đó, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã gia tăng tới mức khủng hoảng; nó trở thành “trái đắng” mà Bắc Kinh phải gánh chịu khi thực hiện chính sách bắt nạt Canberra.