Vào ngày 13/10, Viện diệt chủng và Nhân quyền Montreal (MIGS) của Canada đã tổ chức buổi họp báo ra mắt cuốn sách “Nhà nước giám sát: Trung Quốc mở ra kỷ nguyên kiểm soát xã hội mới“.

Cuốn sách nghiên cứu cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng cơ sở dữ liệu nhà nước, liên kết với các tài liệu nhận dạng (như dữ liệu về khuôn mặt, dấu vân tay) để thiết lập các biện pháp kiểm soát chính trị mới.

Hệ thống giám sát cũng bao gồm mạng lưới camera quan sát do nhiều công ty Trung Quốc sản xuất, bao gồm Huawei, SenseTime, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC)…, và phần mềm trí tuệ nhân tạo phân tích theo thời gian thực.

Việc giám sát này không bị ràng buộc bởi hệ thống luật pháp Trung Quốc, đồng thời cũng có sự tham gia của các công ty phương Tây như Intel, IBM, Seagate, Cisco v.v.

Hai tác giả của cuốn sách là Josh Chin và Liza Lin đã tham gia cuộc họp báo. Josh Chin là một nhà báo có kinh nghiệm hơn 10 năm đưa tin về chính trị và công nghệ của Trung Quốc. Ông từng là lãnh đạo của nhóm điều tra giành Giải thưởng Gerald Loeb năm 2018 cho các báo cáo phơi bày hoạt động giám sát kỹ thuật số của chính phủ Trung Quốc.

Liza Lin là phóng viên về Trung Quốc của The Wall Street Journal. Cô cũng là một thành viên của nhóm giành Giải thưởng Gerald Loeb năm 2018.

Dòng vốn khổng lồ của Trung Quốc đổ vào công nghệ giám sát

Trong năm 2016 và 2017, các tác giả bắt đầu theo dõi dòng tiền đổ vào ngành công nghệ Trung Quốc. 

Cô Lin cho biết: “Đột ​​nhiên, có hàng triệu, hàng trăm triệu đô-la được đổ vào lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt”. Tiến sâu thêm một bước nghiên cứu, các tác giả nhận ra, thực tế thì cũng có lúc cảnh sát sử dụng những kỹ thuật này để bắt tội phạm, những kẻ trốn trại hoặc dùng cho thẩm tra.

Tuy nhiên, ông Josh cho hay, từ cuối năm 2016, ĐCSTQ đã bắt đầu triển khai chương trình cưỡng bức đồng hóa [chủng tộc] mới. Chính phủ Trung Quốc đã kết hợp các các công nghệ giám sát tiên tiến để theo dõi và phân loại người Duy Ngô Nhĩ, quyết định những người bị gửi đến các trại tập trung hiện đại, nhằm cải tạo chính trị.

Cuốn sách “Nhà nước giám sát” và các tác giả (ảnh chụp màn hình Asia Society).

Cuốn sách kể về câu chuyện khó quên của nhà thơ, nhà làm phim người Duy Ngô Nhĩ Tahir Hamut Izgil. Anh và vợ bị cảnh sát Tân Cương bắt giữ. Sau đó họ bị thu thập toàn diện mẫu máu, dấu vân tay, hình ảnh khuôn mặt ba chiều, các thông tin đã được đưa vào cơ sở dữ liệu sinh trắc học. Hiện nhà thơ này đã trốn sang Mỹ.

Tài liệu cũng tiết lộ rằng, ít nhất hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hoặc bỏ tù, sử dụng các cáo buộc không có căn cứ xác thực.

Hệ thống giám sát sau đại dịch được triển khai toàn quốc

Cô Lin nói rằng, vào thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020, việc giám sát của ĐCSTQ xuất hiện ở mức độ chưa từng có. 

Trước dịch COVID-19, không phải tất cả mọi người Trung Quốc đều bị giám sát theo thời gian thực. Sau dịch, Bắc Kinh bắt đầu sử dụng cái gọi là ‘Mã số sức khỏe’ để theo dõi sự tiếp xúc giữa người với người.

Cô cho hay: “Nếu quý vị nán lại thành phố nơi bùng phát dịch trong vài giờ, công ty viễn thông quốc gia sẽ biết và thông báo ngay cho ban y tế, mã sức khỏe của quý vị sẽ biến thành màu đỏ. Vì vậy, về bản chất, sau đợt bùng phát dịch, [ĐCSTQ] đã mở rộng việc giám sát thời gian thực với người dân ở Tân Cương ra áp dụng với toàn bộ người dân Trung Quốc”.

Camera giám sát Trung Quốc có mặt ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam (ảnh: Telegrame).

Các tác giả cho hay, có hơn 400 triệu camera giám sát trên toàn Trung Quốc, không chỉ ở các thành phố, mà còn ở các thị trấn và làng mạc. 

Kể từ khi Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông có hiệu lực, ĐCSTQ đã triển khai máy quay trong các ngôi chùa Phật giáo, đồng thời cũng triển khai máy bay không người lái và nhiều công nghệ khác nhau ở Tây Tạng.

Vào năm 2020, ước tính các công nghệ giám sát của Trung Quốc đã được xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia trên thế giới, bao gồm một số quốc gia dân chủ.

Theo Epochtimes

Xem thêm: