Những người phê bình chính quyền Trung Quốc bị tống vào các bệnh viện tâm thân, bị sốc điện, đánh thuốc mê và ép dùng thuốc, theo một báo cáo vừa được công bố hôm 16/8.
Theo Nikkei Asia, báo cáo này do nhóm bảo vệ nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha) thực hiện. Nội dung báo cáo là căn cứ trên lời khai của 99 người trong khoảng thời gian 7 năm.
Báo cáo về các bệnh viện tâm thần ở Trung Quốc
Báo cáo cho biết, việc giam giữ những người chỉ trích không có tiền sử bệnh tâm thần vào các bệnh viện tâm thần do cảnh sát điều hành được gọi là ankang. Đây là một vấn đề đã tồn tại ở Trung Quốc trong nhiều thập niên qua.
Báo cáo cho biết các nạn nhân còn bị đưa vào các cơ sở y tế khác, bao gồm cả các cơ sở do Bộ Y tế Trung Quốc điều hành. Báo cáo ghi nhận có ít nhất 109 ankang và các cơ sở tương tự trên toàn quốc.
Yanxin Mou, tác giả của báo cáo cho biết, dữ liệu do tổ chức Theo dõi Dân quyền và Sinh kế tổng hợp và do Safeguard Defenders phân tích. Bà Mou cho biết báo cáo này chỉ là “phần nổi của tảng băng”.
“Thật không may, không có dữ liệu công khai hay bất kỳ kênh nào có sẵn để ước tính chính xác quy mô của hệ thống ankang ở Trung Quốc”, bà Mou nói.
“Nó hoàn toàn bí mật nên chúng tôi chỉ có thể biết những trường hợp do nạn nhân hoặc thành viên gia đình kể lại cho các phương tiện truyền thông hoặc các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền.”
Theo nhà nghiên cứu Gao Jan, chính quyền Trung Quốc cố ý cho nạn nhân nhập viện tâm thần như một cách để thực thi ổn định chính trị. Bà Jan là tác giả của cuốn sách “Bị rối loạn tâm thần: Cố ý chẩn đoán sai bệnh tâm thần ở Trung Quốc”.
Các nhóm nhân quyền cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn áp dụng các phương pháp khác, như giám sát và quản thúc tại gia nhằm bịt miệng những người chỉ trích chính quyền.
Chính quyền Trung Quốc vi phạm luật sức khỏe tâm thần của chính nước mình
Báo cáo của Safeguard Defenders ghi lại lời khai của các nạn nhân từ năm 2015 đến năm 2021. Báo cáo cho thấy trong hơn một nửa số trường hợp, các bác sĩ đã không tiến hành đánh giá tâm thần trước khi nhập viện, điều đó vi phạm luật sức khỏe tâm thần quốc gia có hiệu lực vào năm 2013.
Luật quy định rằng việc điều trị nội trú và nhập viện tâm thần phải diễn ra tự nguyện, trừ trường hợp người đó gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác. Quy định này là nhằm ngăn chặn kẽ hở cho cảnh sát hoặc thậm chí người thân đưa một người vào khu điều trị tâm thần.
Tuy nhiên, giới cầm quyền Trung Quốc vẫn tống những người chỉ trích vào bệnh viện tâm thần như một biện pháp chủ yếu.
“Chúng tôi tìm thấy bằng chứng về sự lạm dụng này diễn ra hàng năm”, báo cáo cho biết. “Một phần ba nạn nhân bị đưa vào nhà tù tâm thần hết lần này đến lần khác, với một nạn nhân bị nhốt 20 lần”.
“Bên trong trại tâm thần, nạn nhân bị cưỡng bức sử dụng thuốc, bị sốc điện đau đớn mà không gây mê, bị đánh đập và trói chặt vào giường, và bị bỏ mặc trong đống chất thải của riêng họ.”
Trong một trường hợp, Dong Yaoqiong, 30 tuổi, đã bị chính quyền bắt giữ sau khi đăng tải đoạn video quay cảnh cô vẩy mực lên chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 7/2018. Cô đã bị đưa đi điều trị tâm thần ở tỉnh Hồ Nam, miền nam nước này.
Báo cáo cho biết Dong bị giám sát 24 giờ và buộc phải dùng thuốc chống loạn thần. Cô được thả tự do lặng lẽ sau hơn một năm, nhưng bị đưa trở lại bệnh viện vào tháng 5 năm 2020. Tại đó, cô bị đánh đập và bị trói trên giường.
Sáu tháng sau, cô Dong được trả tự do, nhưng có dấu hiệu mất trí nhớ và mắc chứng kinh hoàng về đêm. Cô đã được đưa trở lại bệnh viện vào đầu năm 2021. Hiện không rõ cô đang ở đâu.
“Không có luật nào trên thế giới cho phép chính phủ buộc những người không mắc bệnh tâm thần vào các bệnh viện tâm thần. Những phương pháp này không chỉ vi phạm luật nhân quyền quốc tế mà còn vi phạm luật nội địa của Trung Quốc”, bà Mou nói.
Hiệp hội Tâm thần Thế giới (WPA) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án hệ thống ankang của Trung Quốc vào năm 2002.
Có thể bạn quan tâm: