Một báo cáo của chính phủ Nepal đã cáo buộc Trung Quốc xâm phạm vào lãnh thổ của Nepal dọc theo biên giới chung giữa hai nước.

BBC hôm 8/2 cho biết hãng tin này đã thu thập được một báo cáo của chính phủ Nepal, trong đó lần đầu tiên Nepal chính thức tuyên bố Trung Quốc can thiệp vào lãnh thổ của mình.

Vào tháng 9 năm 2021, Nepal đã cử một lực lượng đặc nhiệm đến huyện Humla, ở vùng viễn tây của Nepal, sau khi có thông tin cho biết Trung Quốc xâm phạm khu vực này.

Lực lượng này gồm có đại diện của cảnh sát và chính phủ. Trong số đó, họ khẳng định Trung Quốc đã xây dựng một loạt tòa nhà ở bên trong lãnh thổ Nepal.

Theo báo cáo của BBC, nhóm này phát hiện ra rằng các hoạt động giám sát của lực lượng an ninh Trung Quốc đã hạn chế các hoạt động tôn giáo ở Lalungjong thuộc biên giới phía Nepal.

Báo cáo cũng kết luận rằng Trung Quốc đã hạn chế việc chăn thả gia súc của nông dân Nepal. Tuy nhiên, các nhà điều tra nhận thấy người dân địa phương Nepal thường ngại nói về các vấn đề biên giới vì một số người trong số họ kiếm sống phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc qua biên giới.

Cũng tại khu vực này, Trung Quốc đang xây dựng hàng rào xung quanh trụ cột biên giới, đồng thời cố gắng xây dựng một con kênh và một con đường ở phía biên giới với Nepal.

Báo cáo khuyến nghị lực lượng an ninh Nepal đóng quân trong khu vực để đảm bảo an ninh. Nó cũng đề xuất Nepal và Trung Quốc nên kích hoạt lại một cơ chế được thiết lập để giải quyết các loại vấn đề biên giới này.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc đã phủ nhận rằng họ có bất kỳ hành vi xâm phạm nào đối với Nepal. Ngược lại, Bắc Kinh cho rằng họ lo ngại khu vực biên giới với Nepal trở thành con đường cho những người Trung Quốc chạy trốn khỏi đất nước.

Khu vực ở biên giới phía Trung Quốc là Tây Tạng. Từ đây, có nhiều người đã chạy trốn để thoát khỏi các cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. BBC ước tính, có khoảng 20.000 người tị nạn Tây Tạng sống ở Nepal; những người khác đi tiếp đến Ấn Độ và các nước khác.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cố gắng cắt đứt tuyến đường vượt biên này.

Trong 2 năm qua, đã có các báo cáo về việc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Nepal, dẫn đến các cuộc biểu tình không thường xuyên ở thủ đô Kathmandu của Nepal. Cuộc biểu tình mới nhất là vào tháng trước.

Về cáo buộc xâm phạm biên giới Nepal, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nepal đã đưa ra một tuyên bố vào tháng Giêng rằng: “Không có tranh chấp nào cả. Hy vọng rằng người dân Nepal sẽ không bị lừa dối với các báo cáo sai lệch.”

Tuy nhiên, đại sứ quán đã không trả lời BBC về các cáo buộc cụ thể được đưa ra trong báo cáo chưa được công bố. Giới quan sát cho rằng, chính phủ Nepal có thể đã giải quyết vấn đề biên giới với Bắc Kinh. Tuy nhiên, họ không cho biết nội dung thoả thuận mà Trung Quốc đặt ra.

Từ Khóa: