Trước khi công bố đại dịch COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc, một số nhân viên Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện với các triệu chứng tương tự như nhiễm nCoV. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về sự che giấu thông tin của chính quyền Trung Quốc đối với nguồn gốc virus chết người đang hoành hành khắp thế giới.

Trước khi chính quyền Trung Quốc công bố đại dịch COVID-19, đã có 3 nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) phải tìm đến bệnh viện để chăm sóc y tế vào tháng 11 năm 2019. Thông tin này do tờ Wall Street Journal trích dẫn một báo cáo tình báo của Mỹ, theo Reuters ngày 23/5.

Báo cáo tình báo của Mỹ

Báo cáo cung cấp thông tin mới về nguồn gốc COVID-19. Cụ thể, báo cáo chỉ ra số nhân viên bị ảnh hưởng, thời gian mắc bệnh và số lần đến bệnh viện của họ.

Theo Reuters, những kết quả này có thể làm tăng sức mạnh cho lời kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra sâu rộng hơn, để xem liệu virus corona có phải là bị rò rỉ khỏi từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không.

Bản báo cáo được đưa ra ngay trước một cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19.

Đứng trước nội dung bài báo, một nữ phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ không đưa ra bình luận nào. Tuy nhiên, bà cho biết chính quyền Biden sẽ tiếp tục đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về những ngày đầu của đại dịch COVID-19; bao gồm cả nguồn gốc của dịch bệnh tại Trung Quốc.

Phát ngôn viên cho biết thêm chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc với WHO và các nước thành viên để hỗ trợ các chuyên gia đánh giá khách quan về nguồn gốc của đại dịch; đảm bảo các đánh giá này không bị can thiệp bởi chính quyền Trung Quốc hoặc bị chính trị hóa.

“Chúng tôi sẽ không đưa ra những tuyên bố làm ảnh hưởng đến một nghiên cứu đang diễn ra của WHO về nguồn gốc SARS-CoV-2. Chúng tôi sẽ đưa ra các kết luận đáng tin cậy về mặt kỹ thuật được đánh giá kỹ lưỡng bởi các chuyên gia quốc tế “.

Phát ngôn viên của Hội đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cho biết.

Wall Street Journal cho biết các quan chức (hiện tại và trước đây) đã quen với các tin tức tình báo; rằng các nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hãn bày tỏ quan điểm về mức độ tin cậy của các bằng chứng trong những báo cáo. Một quan chức giấu tên nói rằng, cần phải tiến hành thêm các cuộc điều tra xác thực.

Vào tháng 3, Hoa Kỳ, Na Uy, Canada, Anh và các quốc gia khác đã bày tỏ lo ngại về nghiên cứu của WHO về nguồn gốc COVID-19; đồng thời kêu gọi điều tra thêm và truy cập đầy đủ vào tất cả các dữ liệu về con người, động vật và các dữ liệu khác trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Trung Quốc tiếp tục phủ nhận các cáo buộc về nguồn gốc đại dịch

Theo một nguồn tin, Washington kêu gọi có được sự hợp tác và minh bạch từ chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Thời gian đầu của đại dịch, Bắc Kinh đưa tin dịch bùng phát từ một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán. Trung Quốc cũng phủ nhận mọi cáo buộc về việc nCoV có liên quan đến các virus mà họ nghiên cứu trong Viện Virus học Vũ Hán.

Hôm 23/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng; kết luận của WHO sau cuộc điều tra vào tháng 2, về việc rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là cực kỳ khó xảy ra.

“Hoa Kỳ tiếp tục thổi phồng giả thuyết về việc rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại yêu cầu bình luận của Tạp chí Wall Street Journal.

Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump nói rằng họ nghi ngờ virus corona có thể đã bị rò rỉ khỏi một phòng thí nghiệm của Trung Quốc – điều mà Bắc Kinh luôn phủ nhận.

Một tờ thông tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được công bố vào thời điểm gần cuối của chính quyền Trump cho biết: “Chính phủ Hoa Kỳ có lý do để tin rằng một số nhân viên của phòng thí nghiệm Virus học Vũ Hán đã bị nhiễm bệnh vào mùa thu năm 2019; trước khi ca bệnh đầu tiên được công bố. Họ có các triệu chứng trùng hợp giữa COVID-19 và các bệnh cúm mùa”. Tuy nhiên, bài báo cáo lại không cho biết có bao nhiêu nhân viên bị nhiễm.

Theo Reuters, vào tháng 2, Trung Quốc đã từ chối cung cấp cho nhóm nghiên cứu của WHO dữ liệu thô về các trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19. Điều này đã gây khó khăn cho các nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân bùng phát dịch bệnh.