Nguồn gốc tết Trung thu

Cho đến ngày nay, vẫn chưa xác minh rõ ràng tết Trung thu bắt nguồn từ Việt Nam hay xuất phát từ văn hóa Trung Quốc. Nhưng trong giai thoại lịch sử, có ba truyền thuyết được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và sự tích về chú Cuội của Việt Nam.

Truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ có nhiều phiên bản khác nhau. Phổ biến nhất được lưu truyền trong dân gian như sau: Vào thời xa xưa trên bầu trời xuất hiện 10 mặt trời cùng một lúc, thiêu đốt cỏ cây, cuộc sống con người trên Trái đất khốn khó. Lúc đó, xuất hiện một cung thủ có tên là Hậu Nghệ, chàng đã bắn rụng 9 mặt trời và để lại một mặt trời, tỏa sáng hàng ngày và mang lại cuộc sống tốt tươi cho Trái đất. Sau đó, Hậu Nghệ gặp gỡ và kết duyên cùng một cô gái xinh đẹp, tốt bụng tên Hằng Nga.

Tây Vương Mẫu đã ban cho Hậu Nghệ một viên thuốc trường sinh bất tử để trả ơn cho chàng. Tuy nhiên, Hậu Nghệ vì muốn sống bên người vợ thân yêu của mình nên chàng đã cất giấu viên thuốc trong một chiếc hộp. Chuyện này truyền đến tai Bằng Mông, một học trò của Hậu Nghệ, hắn nảy sinh ý đồ đánh cắp viên thuốc. Lợi dụng lúc Hậu Nghệ đi săn, hắn đã ép Hằng Nga giao thuốc trường sinh. Vào tình huống cấp bách, nàng đành nuốt trọn viên thuốc, hóa phép và bay thẳng lên trời. Vì muốn được gần bên Hậu Nghệ, Hằng Nga chỉ bay đến cung trăng, ngày đêm trông ngóng về quê nhà. Vì quá thương nhớ người vợ xinh đẹp, hiền thảo, cứ vào dịp trăng tròn, chàng bày mâm cỗ với những món ăn và trái cây Hằng Nga thích, mong nàng có thể trông thấy từ cung trăng. Câu chuyện này được lưu truyền trong gian dân gian và ngày trăng rằm dần trở thành lễ Trung thu với mong ước sum vầy, cầu xin tiên nữ Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an.

Hay một giai thoại khác thời nhà Đường (Trung Quốc), chuyện xưa kể rằng, vào đêm rằm tháng 8 trăng rất tròn và trong sáng, tiết trời mát mẻ, vua Đường Minh Hoàng dạo chơi trong vườn Ngự Uyển thưởng ngoạn cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ Diệp Pháp Thiện. Vị này có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng thưởng thức tiên cảnh, âm thanh du dương, ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên nữ đang múa hát thướt tha trong bộ xiêm y rực rỡ. Mải thưởng ngoạn, đến gần sáng nhà vua mới quay về nhân gian trong lòng đầy tiếc nuối.

Lòng còn vấn vương nơi bồng lai tiên cảnh, Đường Minh Hoàng cho xây dựng ngay “Vọng Nguyệt đài” – Đài ngắm trăng và chế ra vũ – nhạc “ Khúc nghê thường” để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình.

Truyền thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa tết Trung thu
Ảnh chụp màn hình wikipedia

Cứ đến rằm tháng 8 nhà vua lên Vọng Nguyệt (ngắm trăng), thưởng rượu cùng Dương Quý Phi và ra lệnh cho người dân tổ chức rước đèn, bày tiệc ăn mừng như ngày hội. Nhà vua đặt ra tết Trung thu khi rằm tháng 8 đến, kể từ đó Trung thu trở thành phong tục hàng năm.

Tại Việt Nam, tết Trung thu gắn với truyền thuyết của chị Hằng và chú Cuội. Chuyện kể rằng, xưa có nàng tiên nữ cai quản Vầng trăng tên Hằng Nga, rất xinh đẹp và yêu trẻ con. Nàng thường xuống nhân gian chơi cùng các em nhỏ dù tiên giới không cho phép. Một hôm, Ngọc Hoàng muốn tổ chức cuộc thi “Làm bánh” vào một ngày rằm tháng 8, trăng tròn và sáng nhất trong năm, ai thắng cuộc sẽ được trọng thưởng. Hằng Nga xuống trần gian học phương thức làm bánh, nàng gặp chàng Cuội (nổi tiếng là bốc phét, chuyên tụ tập bọn trẻ con buôn chuyện dưới gốc cây đa đầu làng). Cuội ta bảo cứ cho tất cả nguyên liệu như gạo nếp, trứng, hạt sen … nhào trộn lên rồi đem nướng. Lạ thay, chiếc bánh lại thơm ngon nên Hằng Nga quyết mang số bánh đó về cung đình dự thi.

Truyền thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa tết Trung thu
Website truyencotich minh hoạ hình tượng Hằng Nga.

Khi chia tay, Cuội ngồi trên gốc cây đa nuối tiếc nắm chặt Hằng Nga, thật kỳ lạ cả chàng và cây đa đầu làng theo nàng lên cung trăng. Ở đó, Cuội nhớ nhà, nhớ bọn trẻ nhưng chẳng có cách nào để xuống trần gian nhưng chàng có thể treo lên cây đa để nhìn bọn trẻ đang vui đùa.

Về tới cung đình, Hằng Nga đem bánh dự thi và đạt giải Nhất, nàng được Ngọc Hoàng ban thưởng “vào ngày rằm tháng 8 hàng năm sẽ được cùng Cuội xuống trần gian để ban phát niềm vui và chơi đùa với các em nhỏ”. Món bánh của nàng được đặt tên “bánh Trung thu” và từ đó trở thành món đặc trưng cho ngày tết này.

Ý nghĩa của tết Trung thu

Hàng ngàn năm qua, con người luôn tin rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn hay trăng khuyết có liên quan đến niềm vui hay nỗi buồn, sự đoàn tụ hay chia ly. Con người cho rằng trăng tròn là biểu tượng của sum họp và tết Trung thu cũng được gọi là tết Đoàn viên.

Theo phong tục của người Việt, trong ngày tết Trung thu các thành viên trong gia đình mong muốn quây quần bên nhau, cùng làm cỗ cúng gia tiên. Khi ánh trăng tròn sáng vằng vặc, mọi người cùng nhau ngắm trăng, bày hoa quả, uống nước chè xanh, chia bánh kẹo cho các em nhỏ, rước đèn …

Truyền thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa tết Trung thu
Các em nhỏ vui Trung thu (ảnh chụp màn hình kênh youtube Tuổi thần tiên).

Đây là dịp để con thể hiện lòng biết ơn ông bà, cha mẹ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa của báo hiếu, biết ơn, đoàn tụ, và tình yêu thương.

Người xưa còn ngắm trăng thu để tiên đoán mùa màng, vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu năm đó màu vàng thì sẽ trúng mùa, nếu xanh lục thì có thiên tai, nếu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh vượng.

Theo ghi chép của nhiều tài liệu, dưới thời nhà Lý, tết Trung thu được tổ chức tại kinh thành Thăng Long, đây là dịp mà vua Lý muốn tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, con dân no ấm.