Trên trái đất tươi đẹp này, sinh mệnh của con người là trân quý nhất. Mọi sinh vật sống trên địa cầu đều tồn tại vì để phục vụ con người. Đáng ngạc nhiên hơn, vạn vật đều có linh chứ không phải vô tri vô giác như chúng ta vẫn nghĩ.
Tóm tắt nội dung
Thực vật có khả năng lớn hơn con người
Vào ngày 10 tháng 2 năm 2017, kênh BBC của Anh đã đăng một bài báo có tựa đề “Khả năng thần kỳ của thực vật mà bạn chưa biết”. Bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu dài hạn của nhiều chuyên gia về thực vật: thực vật có thị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác và cả khả năng nhận thức.
Jack Schultz, giáo sư khoa học thực vật tại Đại học Missouri ở Columbia, Hoa Kỳ, đã dành 40 năm để nghiên cứu sự tương tác giữa thực vật và côn trùng. Ông nói rằng sự xung động của thực vật là có mục đích, điều đó có nghĩa là chúng phải nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh chúng. “Để có phản ứng chính xác, thực vật cần điều tiết các cơ quan truyền cảm phức tạp theo các điều kiện khác nhau”.
Bài báo nói rằng các đồng nghiệp của Schultz tại Đại học Missouri, Heidi Appel và Rex Cocroft, đang nghiên cứu về thính giác của thực vật. Appel nói rằng thực vật có thể ít bị ảnh hưởng bởi một bản giao hưởng của Beethoven, nhưng khi có một con sâu bướm đang đói tiếp cận để ăn lá cây thì lại là một vấn đề khác.
Trong các thí nghiệm của họ, Appel và Cocroft đã phát hiện ra rằng âm thanh được tạo ra bởi sâu bướm khiến lá cây tiết ra một lượng lớn chất bảo vệ hóa học để có thể xua đuổi côn trùng. Cocroft cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thực vật có phản ứng sinh thái đối với những âm thanh sinh thái tương quan”. Đối với những âm thanh của thiên nhiên (như gió chẳng hạn), thực vật hoàn toàn không phản ứng.
Thực vật không có tai, tại sao chúng có thể phân biệt được âm thanh? Apel và Cocroft tin rằng thực vật có thể biến đổi các sóng nhỏ được tạo ra khi sóng âm thanh quét qua một vật thể thành tín hiệu điện hoặc hóa học.
Nhưng đây lại không phải là trường hợp đó vì khi sâu bướm chỉ mới chạm phần thân trên của nó lên lá cây, thì cái cây đã biết rằng chúng có ý đồ sẽ ăn lá của nó. Tại sao cái cây lại thông minh như vậy? Thật là kỳ diệu khi cây cũng có suy nghĩ và cảm quan như con người.
Cá chiên vẫn còn sống
Trên mạng đang đăng tải một đoạn phim kỳ lạ, trên vỉ nướng có vài con cá đã chiên giòn, đột nhiên một con cá chiên trong đó giãy lên khiến cho nhiều người cảm thấy kinh ngạc và hoảng sợ.
Đoạn phim cá chiên còn sống không phải được dàn dựng, cũng không phải có ai đó dùng dây thừng móc vào thân cá để làm nó nẩy lên. Nhìn vào cách cơ thể cá nẩy lên, người quay phim đã sợ hãi và la hét. Nhiều cư dân mạng nghĩ rằng con cá chưa chết nên mới giãy giụa như thế.
Vì cá là động vật có xương sống, nên nó cũng có những phản xạ thần kinh. Khi một số chuyên gia xem đoạn phim, họ chỉ ra đây là cử động do phản xạ của các tế bào thần kinh sau khi bị kích thích. Con cá này đã chết, hoặc họ chiên chưa chín nên dẫn đến các tế bào thần kinh của nó vẫn chưa chết hoàn toàn, và có lẽ chúng ta cần thêm ít phút nữa để chiên cho cá chín.
Món “Cá la hét”
Trước đây, tờ Daily Mail của Anh cũng từng báo cáo một tình huống tương tự. Cũng có một đoạn phim giống như vậy trong một nhà hàng ở quận Việt Tú, Quảng Châu, Trung Quốc. Món cá này được đầu bếp trực tiếp nấu trên bàn ăn, khi các thực khách đã sẵn sàng để ăn thì con cá vẫn còn sống và di chuyển, liên tục co giật và vỗ vây.
Món ăn kinh khủng này được gọi là “Cá la hét” hoặc là món “Cá sống”. Quá trình nấu như sau: đầu bếp sẽ quấn đầu cá bằng chiếc khăn ướt, còn thân cá được chiên trong dầu, rồi sau đó chế nước sốt lên thân cá, khi đó đầu cá vẫn còn thở. Người ta thường sử dụng cá trắm cỏ hay cá chép để nấu món “Cá la hét” này.
Một lúc sau đầu của con cá được cắt ra và đặt ở một bên đĩa. Mặc dù phần cơ thể đã bị vỡ ra và được nấu chín nhưng đầu cá dường như vẫn di chuyển. Thực khách gắp thịt cá bằng đũa, ngay cả khi cá vẫn vặn vẹo trong đĩa. Các thực khách dường như không bị phân tâm mà thay vào đó lại tập trung vào việc thưởng thức các món ăn, bao gồm cả món súp trên thân cá.
Kỹ thuật giết cá nhân đạo
Andrew Tsui, một luật sư rất thích câu cá ở Hoa Kỳ, cho biết nên khuyến khích mọi người sử dụng một kỹ thuật giết mổ truyền thống “lke-jime” từ Nhật Bản để giảm bớt sự đau khổ của cá khi đối mặt với cái chết. Kỹ thuật “lke-jime” này sẽ khiến cho cá bị chết não nhanh chóng bằng cách đâm hoặc tát vào đầu cá làm nó chết ngay lập tức. Hoặc họ sẽ cắt mang cá, trích hết máu ra loại bỏ nguồn gốc của sự hôi tanh cũng như vi khuẩn. Một phương pháp nữa là cắt đứt tủy sống của nó bằng cách luồn một sợi dây thép dọc sống lưng cá, làm tê liệt hệ thần kinh của cá và nó sẽ lập tức bất động. Đây là cách nhân đạo nhất vì cá sẽ không bị đau đớn vì não nó đã chết.
Phương pháp giết mổ nhanh chóng này có thể rút ngắn nỗi đau của cá, tốt hơn cách cắt cổ họng của chúng và để chúng mất máu đến chết. Mặc dù quy trình giết mổ này mất nhiều thời gian hơn, nhưng nó có thể làm giảm sự đau đớn của cá và giảm cả mùi tanh.
Khi cá chết vì ngạt thở chúng sẽ xé rách cơ bắp của mình, sản xuất rất nhiều axit lactic và các hóa chất khác, đẩy nhanh quá trình phân hủy chất béo và cơ bắp. Điều này cuối cùng sẽ làm cho cá bị ương và tạo ra mùi hôi tanh. Giết cá bằng phương thức truyền thống của người Nhật “lke-jime”, có thể ngăn chặn tình trạng này và chất lượng thịt cá còn có thể được giữ tươi ngon trong một thời gian dài.
Thực vật và động vật là những nguồn lương thực chính của chúng ta, rừng cây còn là lá phổi của trái đất nên hãy trân quý và giữ gìn nguồn sống của chính mình. Hãy bảo vệ và đối xử nhân đạo với động thực vật, con người và sinh vật trong tự nhiên cần sống hòa hợp với nhau nếu muốn sinh tồn lâu dài.
Sa Sa (biên dịch và tổng hợp)
Theo renminbao