Châu Âu đang phải đối mặt với thời tiết nóng nhất trong lịch sử. Hơn 1.000 người đã chết vì các nguyên nhân sốc nhiệt và hỏa hoạn. Tại Slovenia, các đám cháy rừng càng nguy hiểm hơn khi lửa đang quét các các khu vực từng là chiến trường xưa kia, nơi vẫn còn nhiều bom đạn chưa nổ bị vùi sâu dưới lòng đất.
Hiểm họa bom mìn nổ
Video ghi lại một trận cháy rừng đang thiêu rụi Slovenia. Khi ngọn lửa di chuyển khắp các khu vực từng là chiến trường trong Thế chiến I, hàng nghìn vật liệu bom mìn cách đây 100 năm đã phát nổ hàng loạt.
Ngày 21/7, một quả bom đã phát nổ trong khi lực lượng cứu hỏa làm việc ngay gần đó. Theo truyền thông Slovenia, nhiều vụ nổ do bom đạn đến nỗi các quan chức địa phương đã ngừng liệt kê.
“Vụ nổ chỉ là một trong nhiều quả bom như vậy đã phát nổ do hỏa hoạn trong những ngày này. Các quan chức đã ngừng đếm các vụ nổ do số lượng mỗi ngày càng nhiều hơn.”
Các chuyên gia đang lo ngại lượng bom mìn còn ẩn dưới lòng đất sau hơn 100 năm đang trở nên nhạy, và dễ phát nổ hơn khi gặp sức nóng của lửa.
Hơn 1.000 nhân viên cứu hỏa và lực lượng quân đội Slovenia đang làm việc khẩn cấp để ngăn chặn ngọn lửa đã lan rộng ra gần 5.000 mẫu đất.
“Vấn đề là do vật liệu phát nổ gây nguy hiểm nên lực lượng cứu hỏa không thể xâm nhập vào đám cháy, mà chỉ có thể tác động ở bên ngoài. Đây là lý do tại sao chỉ có thể dập các đám cháy dữ dội từ trên không”, Bộ trưởng Quốc phòng Slovenia Marjan Šarec trả lời báo chí.
Bom mìn chưa nổ từ Thế chiến I và II hiện vẫn đang là một vấn đề hệ trọng ở châu Âu.
Sát thủ ẩn sâu dưới lòng đất
Khu vực xảy ra hỏa hoạn ở Slovenia là nơi từng diễn ra 12 trận chiến trong Thế chiến Thứ nhất. Hơn 200.000 người đã chết và số lượng chất nổ được sử dụng trong chiến tranh nhiều không kể xiết.
Đó là một vấn đề nhức nhối không chỉ riêng Slovenia, mà trên toàn châu Âu và vẫn kéo dài cho đến ngày nay.
Một chuyên gia về bom mìn cho biết: “Bom mìn càng cũ càng nguy hiểm. Qua thời gian, các chất giúp bom ổn định bắt đầu mất tác dụng, khiến nguy cơ phát nổ tăng lên”, theo Vice News.
Được biết, Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh và Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã thả khoảng 2,7 triệu tấn bom xuống mặt trận châu Âu, chỉ tính riêng trong Thế chiến II.
70 năm sau, những quả bom này đang trở thành những sát thủ giấu mặt, gây hiểm họa giết người. Tìm kiếm và xử lý vật liệu chưa nổ là một công việc cực kỳ nguy hiểm. 630 sĩ quan xử lý tàn tích chưa nổ có từ Thế chiến I đã thiệt mạng, chỉ tính riêng ở Pháp.
Người ta ước tính rằng, để tiêu hủy số lượng bom, đạn chưa nổ ở các nước châu Âu cần phải mất thêm 100 năm nữa.
Bom mìn chưa nổ hiện có ở khắp nơi tại châu Âu. Nguy hiểm hơn khi hàng triệu tấn bom đạn đang ẩn mình dưới lòng đất, sẽ phát nổ bởi các dư địa chấn như động đất, hoặc các vụ hỏa hoạn cháy rừng trên diện rộng tại châu Âu như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm: