Việt nam chuẩn bị phương án ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm Covid-19; Malaysia phong tỏa toàn quốc; Chủ tịch TT-Huế: Sẵn sàng giãn cách xã hội toàn tỉnh; Hàng triệu người Hồng Kông từ chối vắc xin COVID-19 miễn phí… là những tin nổi bật của bản tin ngày 11/5/2021.
Dưới đây là thông tin chi tiết:
Tóm tắt nội dung
Việt nam chuẩn bị phương án ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm Covid-19
Theo Thanh Niên, vào ngày 10/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu ngay trong tuần này Bộ Y tế phải làm xong phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm Covid-19. Trong đó phải giao chỉ tiêu cụ thể (giường bệnh, sinh phẩm, máy xét nghiệm, thuốc điều trị, ô xy…) để các địa phương chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR. Tăng việc mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm ở mức tối đa.
1 công ty ở KCN Bắc Giang có 43 ca nhiễm, nhiều F0 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng
Theo Bộ Y tế ngày 10/5, tỉnh Bắc Giang có 2 ổ dịch với 47 ca mắc COVID-19. Trong đó ổ dịch tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam (ở KCN Vân Trung, huyện Việt Yên) được nhận định là rất nguy hiểm khi đã phát hiện 43 ca mắc COVID-19.
Bắc Giang xác định ổ dịch tại Công ty Shin Young rất nguy hiểm do xảy ra tại khu công nghiệp với mật độ công nhân tập trung lớn. Nhiều F0 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng, tốc độ lây lan nhanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho Công an tỉnh làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng từ Công ty TNHH MTV Shin Young, Công ty TNHH MTV SJ Tech để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Chủ tịch TT-Huế: Sẵn sàng giãn cách xã hội toàn tỉnh
Theo Dân Việt, vào ngày 10/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tất cả phải sẵn sàng cho kịch bản cao nhất trong trường hợp phải giãn cách xã hội toàn tỉnh. Trong đó, chuẩn bị phương án cán bộ, công chức, viên chức phải giải quyết công việc tại nhà trên môi trường mạng khi giãn cách xã hội.
Tính đến ngày 10/5, tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, 346 đối tượng F1, 2.358 F2, 4.173 F3 do liên quan đến điểm dịch là cơ sở Thẩm mỹ viện Amida tại Đà Nẵng.
Đồng thời, Huế có 2.823 trường hợp đang cách ly tại nhiều địa điểm. Từ ngày 28/4 đến 10/5 có 10.090 người từ các địa phương có dịch trở về.
Malaysia phong tỏa toàn quốc từ 12/5 đến 7/6
Theo South China Morning Post, vào ngày 10/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố lệnh phong tỏa trên toàn Malaysia có hiệu lực từ ngày 12/5 đến ngày 7/6/2021. Cấm người dân đi lại giữa các bang, trừ lý do y tế hay các trường hợp khác được cấp phép. Các cơ sở giáo dục sẽ phải đóng cửa. Hoạt động thăm mộ người thân nhân lễ Eid al-Fitr cũng bị cấm.
Trước đó, ngày 5/5, thủ đô Kuala Lumpur đã cấm người dân di chuyển giữa các quận, trừ trường hợp thực sự cần thiết.
Vào ngày 10/5, Malaysia có 3.807 ca mắc mới và 17 ca tử vong. Giới chức y tế Malaysia cảnh báo nước này đang phải đối mặt với biến chủng COVID-19 từ Ấn Độ có khả năng lây nhiễm nhanh hơn nhiều so với chủng virus gốc.
Hàng triệu người Hồng Kông từ chối vắc xin COVID-19 miễn phí
Theo Bloomberg, Hồng Kông là nơi có điều kiện tiêm chủng lý tưởng nhất thế giới: mọi cư dân trên 16 tuổi đều được tiêm vắc xin miễn phí. Việc đăng ký tiêm thực hiện qua mạng và chỉ mất khoảng 20 phút để đến một trong 29 trung tâm tiêm chủng đặt ở khắp nơi.
Người dân được quyền lựa chọn vắc xin, hoặc của Công ty Sinovac (Trung Quốc), hoặc của Pfizer – loại vắc xin được sản xuất bằng công nghệ mRNA tiên tiến nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện Hồng Kông chỉ mới tiêm được 1,76 triệu liều vắc xin COVID-19. Rất nhiều liều vắc xin đang được bảo quản trong kho và sắp sửa hết hạn vào tháng 9 tới mà vẫn chưa tìm được người tiêm.
Lý do là người dân Hồng Kông hoài nghi với vắc xin do không tin tưởng vào chính quyền đã thân Trung Quốc đại lục. Một học sinh 16 tuổi tên Chau nói với Bloomberg rằng: “Tôi sẽ không tiêm vắc xin, vì tôi và bạn bè không muốn làm theo bất kỳ hướng dẫn hoặc khuyến nghị nào từ chính phủ. Chúng tôi không tin bất cứ điều gì từ họ. Chúng tôi sẽ chống lại họ bằng mọi cách có thể”.
WHO xác định biến thể Covid-19 ở Ấn Độ đáng lo ngại toàn cầu
Theo New York Times, vào ngày 10/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo biến thể B.1.617 của virus gây Covid-19 được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi năm ngoái là biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu. Hiện đã được phát hiện ở ít nhất 21 quốc gia.
Biến thể này có đặc tính nguy hiểm hơn SARS-CoV-2 vì có khả năng lây lan nhanh hơn, gây chết người nhiều hơn hoặc có thể vô hiệu hóa vắc xin.
Xem thêm: Mời quý vị xem video bản tin ngày 11/5/2021