Ngay sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối 220 tàu Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc ra thông báo sẽ tổ chức một cuộc tập trận mới ở Biển Đông vào ngày 29-30/3.

Giới quan sát cho rằng động thái này là hành động cố tình gia tăng căng thẳng; đồng thời gửi thông điệp hăm dọa tới các bên khác có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Theo SCMP, Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc đã ra thông báo về cuộc tập trận này vào chiều ngày 26/3. Bắc Kinh ra lệnh cấm tàu thuyền đi vào một khu vực nằm giữa Hải Nam (tỉnh cực nam của Trung Quốc) và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đưa ra thông báo về cuộc tập trận sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối Bắc Kinh đưa 220 tàu thuyền tiến gần gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam vào ngày 7/3. Hình ảnh từ vệ tinh vào ngày 23/3 cho thấy nhóm tàu Trung Quốc đang tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa.

Hôm 25/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố khẳng định 220 tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi xuất hiện trong cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa.

Ngày hôm sau, 26/3, Trung Quốc công bố cuộc tập trận ngày 29-30/3. Cuộc tập trận mới này diễn ra trong khi Trung Quốc đang tổ chức một cuộc tập trận khác kéo dài 1 tháng, từ ngày 1-31/3; tại khu vực ở phía tây bán đảo Lôi Châu của Quảng Châu và phía bắc đảo Hải Nam ở Biển Đông.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã và có kế hoạch tổ chức ít nhất 10 cuộc tập trận ở Biển Đông; trong đó có 4 cuộc ở vịnh Bắc bộ.

Mục đích cuộc tập trận ngày 29-30/3 của Trung Quốc

Bình luận về thông báo tập trận mới của Trung Quốc, ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết: “Cuộc tập trận này chắc chắn góp phần làm gia tăng căng thẳng. Mặc dù tình hình hiện tại có vẻ bình lặng khi tất cả các bên duy trì sự kiềm chế; nhưng không có gì đảm bảo rằng sự bình lặng sẽ tiếp diễn”.

Ông Koh nói thêm: “Tôi tin rằng Trung Quốc có thể đang báo hiệu ý định đáp trả; hay chính xác hơn là leo thang phản ứng; để răn đe Philippines hoặc các nước khác có hành động trực tiếp chống lại các tàu thuyền ở các bãi đá ngầm”.

Ông cũng cho rằng động thái tập trận của Trung Quốc là nhằm ngăn cản Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Trước đó, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ đồng minh Philippines trong việc phản đối sự hiện diện của 220 tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Thông báo tập trận được được đưa ra hôm 26/3, cùng ngày Trung Quốc cử 20 chiến cơ xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Ông Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết đây là “lời cảnh báo rõ ràng đối với Đài Loan và Mỹ”.

Ông Song cho biết: “Việc triển khai một cuộc xuất kích lớn như vậy có thể cung cấp kinh nghiệm trong việc điều phối một cuộc xuất kích lớn hơn trong trường hợp khẩn cấp trong tương lai.”

“Đó cũng là một lời cảnh báo rõ ràng đối với Hoa Kỳ, vì quốc gia này vừa ký một biên bản ghi nhớ với Đài Loan để tăng cường hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên của họ”.