Ngày 12/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố đã thực hiện thành công ca ghép tim nhân tạo bán phần thế hệ thứ 3 (LVAD – HeartMate 3) đầu tiên tại Việt Nam.

Đây được xem là cột mốc đột phá trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, đánh dấu bước tiến quan trọng của y học Việt Nam trong quá trình hội nhập với các công nghệ điều trị tiên tiến trên thế giới.

Ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất trái Heartmate 3: Giải pháp cứu sống bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối

Bệnh nhân là bà H.T.X, 46 tuổi, quê Thanh Hóa, mắc bệnh suy tim giai đoạn cuối do cơ tim giãn, chức năng bơm máu của tim chỉ còn 19% (EF 19%). Trước đó, người bệnh từng điều trị nội khoa tích cực trong nhiều năm nhưng không cải thiện, thường xuyên xuất hiện cơn khó thở cấp, tràn dịch màng phổi nhiều và phải nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân cũng có tiền sử nhồi máu não và tắc động mạch dưới đòn phải – những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào.

Sau hội chẩn đa chuyên khoa, cả trong và ngoài nước, các bác sĩ quyết định thực hiện cấy ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD) thế hệ mới nhất – HeartMate 3. Thiết bị hoạt động như một chiếc bơm cơ học giúp đưa máu từ tâm thất trái đến động mạch chủ, đảm nhiệm vai trò thay thế chức năng bơm máu của tim. Cấu trúc đặc biệt của thiết bị giúp giảm thiểu nguy cơ tan máu, hình thành huyết khối và tăng hiệu quả lưu thông máu. Bộ phận pin và bộ điều khiển được đặt bên ngoài cơ thể, giúp bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường sau khi hồi phục.

Các bác sỹ theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. ( Ảnh: báo mới)

Ca ghép tim nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam: Cứu sống bệnh nhân suy tim nặng

Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dưới sự hỗ trợ trực tiếp từ Giáo sư Jan D. Schmitto – Chủ tịch Hội Tuần hoàn cơ học châu Âu, người đầu tiên trên thế giới cấy thành công HeartMate 3 vào năm 2014. Sau 11 năm, bệnh nhân của ca ghép đầu tiên tại châu Âu vẫn sống khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường.

Chỉ sau 2 tuần hậu phẫu, bà H.T.X đã có thể đi lại, tự chăm sóc cá nhân và đang được hướng dẫn quy trình chăm sóc chuyên sâu trước khi xuất viện. Trong chia sẻ đầy xúc động, bà nói: “Trước đây, tôi luôn sống trong lo sợ vì không biết trái tim mình có thể ngừng đập bất kỳ lúc nào. Giờ đây, tôi cảm thấy như được tái sinh. Tôi biết ơn các y bác sĩ và chuyên gia đã giúp tôi có lại một cuộc sống bình thường.”

Theo Tiến sĩ Đặng Việt Đức – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch, HeartMate 3 hiện là một trong những thiết bị hỗ trợ tim tiên tiến nhất toàn cầu, đặc biệt dành cho bệnh nhân suy tim nặng không còn cơ hội ghép tim tự nhiên do thiếu hụt nguồn tạng hiến. Thiết bị này không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ mà còn cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế và Cục Quân y/Bộ Quốc phòng cho phép thực hiện thường quy kỹ thuật cấy ghép LVAD. Đặc biệt, Bệnh viện đã quyết định tài trợ toàn bộ chi phí – hơn 5 tỷ đồng – cho các bệnh nhân đầu tiên, thể hiện sự quyết tâm trong chiến lược phát triển kỹ thuật cao và nhân đạo hóa dịch vụ y tế.

Chiến lược đào tạo bài bản, kết nối quốc tế tạo nền móng thành công

Trước khi triển khai kỹ thuật, bệnh viện đã chủ động chọn Bệnh viện Đại học Y Hannover (CHLB Đức) – trung tâm hàng đầu thế giới về LVAD – làm đơn vị đào tạo. Bốn bác sĩ thuộc các chuyên ngành ngoại tim mạch, gây mê và hồi sức đã được cử đi học tập chuyên sâu dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Giáo sư Jan D. Schmitto.

Thành công này không chỉ là kỳ tích y học mà còn là bước đệm để Việt Nam nhân rộng mô hình, tiến tới ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh tim mạch nặng. Đồng thời, đây cũng là biểu tượng cho năng lực chuyên môn vượt trội, tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong hành trình đổi mới, hội nhập quốc tế và phục vụ người bệnh một cách toàn diện, hiện đại và đầy nhân văn.