Sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát ở cự ly gần hôm 8/7, công chúng Nhật Bản đang xôn xao bàn luận: Phải chăng việc bảo vệ các nhân vật cấp cao tại nước này đang quá lỏng lẻo?

Nhật Bản là một quốc gia rất hiếm khi xảy ra bạo lực chính trị và tội phạm về súng. Các quan chức Nhật Bản thường đi lại với mức độ bảo vệ an ninh rất khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào các mối đe dọa trực tiếp về thể chất.

Điều này khác biệt lớn so với Mỹ, nơi mà các chính trị gia thường được bảo vệ bằng các nhân viên được trang bị vũ khí dày đặc, sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công bằng súng.

Khi vụ ám sát xảy ra lúc gần trưa 8/7, ông Abe, 67 tuổi, đang phát biểu bên lề đường tại thành phố Nara để vận động tranh cử cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trước cuộc bầu cử ngày 10/7. Kẻ tấn công dùng súng tự chế bắn ông Abe ở cự ly khoảng 3m.

Nghi phạm bắn cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị bắt giữ (ảnh: Twitter).
Nghi phạm bắn cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị bắt giữ (ảnh: Twitter).

Ông Abe được đưa vào viện cấp cứu, nhưng qua đời vào lúc 17h03 (tức 15h03 theo giờ Việt Nam) ngày 8/7 vì mất máu quá nhiều. Vụ ám sát ông Abe đã khiến nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bị sốc.

Vụ ám sát hiếm hoi tại Nhật Bản

Nippon Television dẫn lời cảnh sát Nara cho biết có một cảnh sát chuyên trách có vũ trang và một số sĩ quan địa phương khác được phân công bảo vệ ông Abe trong cuộc vận động hôm 8/7. Cảnh sát Nara từ chối cho biết có bao nhiêu cảnh sát tham gia đảm bảo an ninh cho ông Abe.

Một số nhà bình luận cho rằng việc bảo vệ an ninh cho cựu Thủ tướng đáng lẽ phải được tăng cường.

“Bất cứ ai cũng có thể bắn trúng ông ấy từ khoảng cách đó”, ông Masazumi Nakajima, một cựu thám tử cảnh sát Nhật Bản, nói với đài truyền hình TBS của Nhật Bản. “Tôi nghĩ rằng việc bảo vệ an ninh đã quá yếu.”

“Người đó cần được bảo vệ từ mọi hướng”, theo ông Koichi Ito, chuyên gia an ninh cho nhân vật nổi tiếng. Ông Ito nói với đài truyền hình quốc gia NHK: “Nếu việc này không được thực hiện 100% thì không tốt.”

Các quan chức Nhật Bản, kể cả các cựu thủ tướng, được bảo vệ bởi một chi nhánh đặc biệt của cảnh sát Tokyo. Các sĩ quan mặc thường phục được trang bị vũ khí được gọi là SP – tức Cảnh sát An ninh. Để đảm nhận công việc này, họ phải trải qua một cuộc kiểm tra nghiêm ngặt, bao gồm kiểm tra chuyên môn về chiến đấu tay đôi. Họ thường ở gần chính trị gia mà họ đang bảo vệ để để ngăn cản các mối đe dọa trực tiếp về thể chất.

Các nhân viên bắt giữ tay súng ám sát cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 8/7/2022 (ảnh chụp màn hình).
Các nhân viên bắt giữ tay súng ám sát cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 8/7/2022 (ảnh chụp màn hình).

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, chỉ có 10 sự cố liên quan đến súng đạn ở Nhật Bản vào năm ngoái, trong đó chỉ một vụ gây tử vong.

Vụ ám sát ông Abe là trường hợp ám sát đầu tiên đối với một thủ tướng đương nhiệm hoặc cựu thủ tướng Nhật Bản kể từ những năm 1930. Các cựu thủ tướng Saito Makoto và Takahashi Korekiyo bị ám sát cùng ngày vào năm 1936, trong khi Thủ tướng khi đó là Tsuyoshi Inukai bị ám sát năm 1932.

‘Sự kiện thân mật’

Cuộc vận động hôm 8/7 mà ông Abe thực hiện thường được đánh giá là “sự kiện thân mật”. Các chính trị gia thường đứng phát biểu trên phố, trong khi người dân đi qua hoặc đứng lại lắng nghe.

“Bạn không bao giờ có bất kỳ cảm giác bất an, nguy hiểm hoặc bất cứ điều gì tương tự”, theo ông Paul Nadeau, người từng tham gia các sự kiện tranh cử với ông Abe trong quá khứ.

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước khi bị bắn ngày 8/7/2022 (ảnh: Twitter).
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước khi bị bắn ngày 8/7/2022 (ảnh: Twitter).

Iwao Horii, một thành viên đảng LDP đứng cạnh ông Abe khi vụ ám sát xảy ra, cho biết việc chuẩn bị cho cuộc vận động là điều rất bình thường. Có khoảng 15 nhân viên trong đảng được giao nhiệm vụ kiểm soát đám đông, trong khi việc bảo vệ an ninh do cảnh sát địa phương xử lý.

Tất cả các đảng lớn tại Nhật Bản đều thông báo đình chỉ các hoạt động vận động bầu cử sau vụ ám sát ông Abe.

Có thể bạn quan tâm

Từ Khóa: