Năm ngư dân ở Ninh Thuận xuống vệ sinh hầm cá thì bị ngạt khí độc, một người đã không qua khỏi.

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, khoảng 8h30 sáng 12/9, chủ tàu cá Hải Đăng là ông Nguyễn Dân (49 tuổi, ngụ thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) yêu cầu 5 thuyền viên xuống hầm cá số 2 để vệ sinh.

Khi cả 5 thuyền viên vừa xuống hầm thì có triệu chứng bị ngạt, nhưng do thành hầm cao nên các thuyền viên không thể tự ra ngoài. Sau đó, cả 5 thuyền viên bị bất tỉnh.

Theo VnExpress, những người đứng trên miệng hầm phát hiện, đưa các thuyền viên bị ngạt ra khỏi hầm. Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng ngư dân Đào Duy Luân, 22 tuổi đã tử vong. 4 người khác, gồm: Võ Minh Toản, Nguyễn Nhân, Lê Thành Lanh, Nguyễn Văn Quang (20-41 tuổi) vẫn hôn mê, phải thở bằng máy.

Qua điều tra, bước đầu cơ quan chức năng xác định hầm chứa cá số 2 của tàu này có hơn 100 kg cá đang phân huỷ và giải phóng khí độc. Do nắp hầm đóng trong quá trình tàu di chuyển, nên khí độc không thoát ra ngoài được, lượng oxy trong hầm cũng không đủ cho hô hấp.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Trước đó, cũng đã liên tiếp ghi nhận những trường hợp ngư dân tử vong do ngạt khí hầm cá. Các chuyên gia y tế cho biết, hầm chứa cá không thoáng khí lâu ngày có sự phân hủy protein. Các chất hữu cơ chứa khí H2S, CO2, SO2…, và các hợp chất lưu huỳnh làm cho hầm cá thiếu oxy, mùi rất nồng như trứng thối.

Nồng độ lưu huỳnh càng cao mùi càng nồng, tình trạng thiếu oxy càng cao. Do đó, người xuống hầm cá lúc này sẽ không có oxy để thở và hít phải hơi khí độc dẫn đến ngộ độc.

Vì vậy, chuyên gia chống độc khuyến cáo trước khi xuống hầm cá, ngư dân cần phải khơi thông luồng khí, xử lý hơi độc bằng cách sử dụng quạt công suất lớn thổi xuống hầm cá.

Khi xuống hầm cá, ít nhất một người phải ở trên quan sát, theo dõi người ở dưới thực hiện công việc. Người xuống hầm cá phải mang dây an toàn và bảo hộ cá nhân phòng ngừa sự cố xảy ra. 

Từ Khóa: