Trong văn hóa truyền thống, người Việt tin rằng những hoạt động diễn ra trong dịp đầu năm mới giữ một vai trò khá quan trọng, có thể ảnh hưởng đến đời sống của cả một năm.

Cuộc sống thuận hoà, bình an là điều mà mỗi người vẫn luôn mong muốn có được. Có lẽ cũng vì lý do này mà nhiều điều kiêng kỵ đã ăn sâu vào tiềm thức và hình thành nên nét đặc trưng trong phong tục của người Việt Nam.

Những điều này tạo nên một nét đẹp văn hóa; giúp gìn giữ nếp sống tốt đẹp lưu truyền từ đời này qua đời khác; giống như một câu nói mà chúng ta vẫn thường nghe “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Vậy để giữ được sự an lành cho một năm thì quan niệm dân gian cho rằng nên tránh những điều gì?

1. Tránh làm rơi vỡ vật dụng

Rơi vỡ thường là dấu hiệu báo hiệu sự chia ly, đổ vỡ; do đó dân gian vẫn luôn có quan niệm rằng điều này xảy ra vào đầu năm sẽ làm cho gia đình gặp nhiều xui xẻo; dữ nhiều lành ít. Nên việc kiêng kỵ làm vỡ ly, cốc, chén dĩa…được nhiều người rất lưu tâm chú ý.

Tránh làm rơi vỡ vật dụng
Việc kiêng kỵ làm rơi vỡ đồ dùng cũng giúp người ta từ tốn, cẩn thận hơn (ảnh: 24h).

2. Kiêng vay mượn đầu năm

Việc vay mượn tiền của trong ba ngày đầu xuân là điều vô cùng tế nhị. Bởi theo quan niệm của người xưa làm vậy sẽ lấy đi tài lộc của người khác, khiến họ bị túng thiếu cả năm. Ngoài ra, người Việt cũng kiêng kỵ việc đòi nợ trong dịp năm mới.

3. Không nói điều xui xẻo

Lời nói của mỗi người đều mang theo năng lượng nhất định. Do đó nếu sử dụng những từ ngữ mang tính tiêu cực như “mất mát”, “đổ vỡ”, “ốm đau”, “bệnh tật”…sẽ khiến người nghe có cảm giác khó chịu. Tương tự vậy, lời hay, ý đẹp với sự chân thành mong muốn những điều tốt đẹp đến với mọi người cũng sẽ mang năng lượng tốt lan tỏa. Có lẽ vì vậy mà quan niệm dân gian cũng đã liệt việc nói chuyện xui xẻo trong dịp đầu năm là chuyện kiêng kỵ mà mỗi người cần tránh.

4. Kiêng khóc lóc, buồn tủi, bực tức, cãi vả, giận hờn

Tết là dịp để các thành viên trong gia đình quần tụ, sum vầy. Trong những ngày này mọi người thường thể hiện sự yêu thương, gắn kết nhiều hơn để cầu chúc cho một năm mới thuận hòa, bền chặt. Việc cãi vã, hờn giận, trách móc nhau sẽ được coi như là một điềm báo về sự chia rẽ, lộn xộn trong gia đình.

5. Không bỏ thừa thức ăn

Vào những ngày tết người ta thường có xu hướng tích trữ thức ăn và chuẩn bị khá nhiều món ăn cho dịp này. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, mỗi người cũng cố gắng thu xếp để ăn hết phần ăn của mình; không để thừa thức ăn để tránh thất thu, ảnh hưởng tài chính trong năm.

6. Không để hũ gạo rỗng trong dịp đầu năm mới

Muối và gạo là hai vật được xem là biểu tượng của sự no đủ trong văn hóa người Việt. Cũng có thể dễ dàng bắt gặp 2 thứ này trong các nghi thức cúng kiếng; người ra thường dâng muối và gạo để thể hiện thành ý với thánh thần. Người dân Việt quan niệm rằng, nếu thùng gạo không đủ đầy trong dịp tết thì năm mới của gia đình sẽ trở nên chật vật với nhiều âu lo.

7. Không ăn đồ ăn gắn liền với sự đen đủi

Người Việt Nam xem các món như ốc, cá mè, thịt vịt, thịt chó là những món ăn mang lại nhiều xui xẻo. Do đó, người ta sẽ kiêng ăn những món này trong dịp đầu năm. Có một số nơi cũng kiêng ăn tôm vì tôm thường đi giật lùi; điều này khiến cho công việc cả năm chỉ lùi chứ không tiến lên được.

9 điều không nên làm vào dịp đầu năm mới
Thịt chó gắn liền với sự đen đủi nên người dân kiêng ăn vào dịp năm mới (ảnh: 24h).

8. Hạn chế đóng cửa nhà

Việc mở cửa nhà đầu năm biểu đạt mong muốn đón các vị thần linh vào nhà và rước sự may mắn, hạnh phúc đến. Nếu không mở cửa có nghĩa là không muốn các vị thần vào nhà; thể hiện sự bất kính với thần linh, dẫn đến cả năm làm ăn thất bát, gặp nhiều xui xẻo. Chính vì lẽ đó, không nên đóng cửa nhà trong 3 ngày tết, chỉ trừ những lúc đi xa.

9. Đừng đánh thức người khác dịp đầu năm mới

Đêm 30 tết có gia đình vẫn còn khá tất bật, bận rộn với công việc nên sáng mùng 1 có thể thức dậy hơi trễ. Một số vị khách ghé đến nhà nhưng vì còn bận đi chúc tết nhà khác, để đỡ tốn công đi lại nên họ đã gọi cửa và đánh thức gia chủ. Tuy vây, đây cũng được xem là một hành động cấm kỵ; việc đánh thức này vô tình khiến gia chủ cả năm sẽ phải chịu sự thúc giục từ người khác.

Nếu đứng ở các góc độ khác để lý giải những phong tục ngày đầu năm này của người Việt thì cũng không hề thấy sự mâu thuẫn. Ngược lại, nếu thực hiện được tốt còn có thể mang đến nhiều lợi ích và sự vui vẻ cho rất nhiều người.