Bộn bề lo lắng đã đành, nhiều người lao động nghèo sắp rời Sài Gòn còn nặng trĩu nỗi niềm mặc cảm, tủi thân: “Đi xe máy nghìn cây số, ai thấy mình mà chẳng xa lánh?!”. Nhưng những điều diễn ra trên hành trình là một câu chuyện mà họ chẳng ngờ.
- Lũ lụt bất thường ở sa mạc Tân Cương, Trung Quốc
- TP.HCM: Phát hiện nhiều ca Covid-19 tại cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội
- Hết lương thực, gia đình nghèo tự chế máy cày về quê tránh dịch
Nghĩa đồng bào trong cơn đại nạn
Những ngày qua, có hàng nghìn chuyến xe nối nhau đưa người rời các tỉnh thành phía Nam về quê tránh dịch. Biết bao câu chuyện trên các cung đường ấy khiến người nghe xúc động. Với những người đã và đang trải qua hành trình gian khổ ấy, điều họ cảm nhận được là sự tử tế sâu đậm nghĩa đồng bào trên những cung đường đi qua.
Với nhiều người lao động nghèo, ngoài nỗi lo về sự nguy hiểm gặp phải trên đường, hay suy nghĩ về tương lai bất định, họ còn mang nặng mặc cảm sẽ bị người dân các địa phương xa lánh. Nhưng những hành động thiết thực, sự giúp đỡ chân thành của người dân bên đường đã khiến cho những người xa xứ cảm thấy ấm lòng.
Có nhiều hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người đi đường được người dân triển khai. Báo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị cho biết, tại Đà Nẵng mỗi ngày có hàng trăm lượt người từ Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… đi xe máy qua địa phận, do quãng đường dài nên một số phương tiện của người dân bị hư hỏng. Nhóm thiện nguyện “SOS Đà Nẵng” đã hỗ trợ sửa xe miễn phí ban đêm cho những người gặp sự cố. Những người được giúp đỡ cảm thấy ấm áp và được tôn trọng khi chứng kiến những chàng trai tay lấm lem dầu nhớt, nhưng vẫn nói năng nhỏ nhẹ, luôn tươi cười.
Có người chọn cách tiếp tế lương thực. Chị Trần Thị Hà Giang (ngụ thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) tự tay làm hàng trăm chiếc bánh bao để hỗ trợ người đi qua địa phương mình.
“Dịch căng thẳng, bất đắc dĩ họ mới phải chạy xe máy để về quê. Mà đi xe máy chắc chắn họ không thể chuẩn bị đủ thức ăn, nước uống trong khi hàng quán dọc đường đã đóng hết”, chị Giang tâm sự với Zing.
Còn chị Đinh Thu Hiền (người Nghệ An), hai ngày qua đã đứng đợi ở cầu Bến Thuỷ để gửi đến người lao động nghèo chút quà nhỏ của mình là những phong bì trị giá 500.000 đồng giúp người đi đường mua gạo, mua thực phẩm… duy trì cuộc sống.
Bên cạnh tặng phong bì, chị còn trao các gói xôi nóng hổi để mọi người lót dạ, có sức tiếp tục hành trình.
Trả lời báo VietNamNet về việc làm của mình, chị Hiền cho hay: “Trong lúc dịch bệnh, nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, mình chia sẻ được chút nào cho họ thì tốt chút đó. Giúp được người khác thấy lòng mình cũng ấm áp hơn”.
“Tôi không thể quên những tình cảm này”
Nhận được sự giúp đỡ của mọi người, nhiều người dân hồi hương không nén được xúc động. Anh V.B.X. (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ngậm ngùi kể với phóng viên báo Zing, anh cùng vợ vào làm thuê ở Bình Dương nhiều tháng trước. Dịch bệnh khiến công ty đóng cửa, không có việc làm, tiền tích góp dần cạn nên vợ chồng anh cùng một số người địa phương quyết định chạy xe máy vượt hơn 1.500 km về quê.
“Nếu không về, ở trong đó cũng chẳng còn tiền ăn, tiền trọ. May mắn dọc đường được mọi người tặng nước, bánh mỳ và cả tiền như thế này, vợ chồng tôi không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn”, anh X. cho hay.
Làm nghề uốn tóc tại TP. HCM, chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ với VnExpress, ba ngày trước đã quyết định vê quê ở xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Trong thâm tâm, chị chuẩn bị tinh thần đón nhận sự xa lánh của mọi người dọc đường. Nhưng, cả hành trình dài hơn 1.500 km, chị được tình nguyện viên hỗ trợ, người dân tiếp sức rất nhiều.
“Tôi trân trọng và không thể quên được những tình cảm đó trong giai đoạn khó khăn này”, người phụ nữ 32 tuổi, xúc động.