Hơn 12.000 ca Covid-19 mới, 6.408 người nặng, nguy kịch; Hà Nội xét nghiệm diện rộng thêm 200.000 người, lập 2 kịch bản sau ngày 6/9… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 28/8/2021.
Tóm tắt nội dung
Hơn 12.000 ca Covid-19 mới
Bộ Y tế thông tin, tính từ 18h chiều 27/8 đến 18h chiều 28/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.103 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 12.097 ca ghi nhận trong nước (6.468 ca cộng đồng), chủ yếu tại TP. HCM (5.481), Bình Dương (4.049), Đồng Nai (797), Long An (451), Tiền Giang (241)…
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 804 ca. Tại TP. HCM tăng 98 ca, Bình Dương giảm 138 ca, Đồng Nai giảm 199 ca, Long An giảm 3 ca, Tiền Giang giảm 71 ca.
Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 352 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.405.
Bộ Y tế cho biết theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.408 ca. Trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 4.065; thở ô xy dòng cao HFNC: 1.310; thở máy không xâm lấn: 88; thở máy xâm lấn: 921; ECMO: 24.
Trong ngày có 12.375 bệnh nhân khỏi.
Lấy 1,4 triệu test nhanh, TP. HCM phát hiện hơn 54.000 mẫu dương tính
Về kết quả xét nghiệm, từ 18h ngày 26/8 đến 18h ngày 27/8, thành phố đã lấy 433.183 mẫu, trong đó có 6.694 mẫu đơn và 10.853 mẫu gộp; 352.388 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Thông tin thêm số mẫu xét nghiệm nhanh, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết từ 23/8 đến nay, thành phố đã lấy 1.436.922 mẫu test nhanh và phát hiện 54.498 ca dương tính, tỷ lệ dao động trên dưới 3,5% (đọc toàn bản tin trên báo Zing).
Hà Nội xét nghiệm diện rộng thêm 200.000 người, lập 2 kịch bản sau ngày 6/9
Sau đợt xét nghiệm trên 1,1 triệu người bằng kỹ thuật RT-PCR, TP. Hà Nội sẽ lấy thêm khoảng 200.000 mẫu, chia làm hai giai đoạn. Theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, giai đoạn một từ nay đến 30/8, ngành y tế thủ đô sẽ lấy 80.000 mẫu xét nghiệm; giai đoạn hai lấy 120.000 mẫu từ ngày 31/8 đến 4/9.
2 kịch bản sau ngày 6/9 gồm:
Kịch bản 1: Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các quận, huyện, thị xã đã có nguy cơ cao từ trước, với các ca mắc tăng cao, phải thực hiện phong tỏa, trên cơ sở đó thành phố sẽ lấy 800.000 mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao tại 12 quận, huyện.
Kịch bản 2: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các quận và một số khu vực của các huyện với các ca mắc lớn, phải thực hiện phong tỏa, trên cơ sở đó Thành phố sẽ lấy 1,5 triệu mẫu xét nghiệm tại khu vực nguy cơ cao tại 12 quận; khu vực nguy cơ tại các huyện, thị xã.
Khoe dùng giấy đi đường để ‘chạy vòng vòng’, tình nguyện viên bị thu hồi giấy
Bằng tài khoản Facebook cá nhân của mình, chị V.N.T.M, tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn phường An Phú đã đăng tải hình ảnh giấy đi đường kèm thông tin: “Cuối cùng em cũng được ra đường, được chạy vòng vòng. Cảm ơn ông anh trai của em”.
Sau khi đăng tải, bài viết của chị M. nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết mọi người đều cho rằng việc đăng tải như trên của chị M. là không phù hợp. Giấy đi đường là để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, còn công dụng để “chạy vòng vòng” như ý định của chị M. là không chấp nhận được.
Ghi nhận sự việc, phường An Phú đã mời chị M. đến làm việc và đưa ra phương án xử lý.
“Thật ra bạn này còn quá trẻ, sau khi có giấy đi đường vì thích thú quá nên đăng lên Facebook khoe. Bạn này có hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm nhiều ngày nay. Nhưng hôm nay, sau khi xảy ra sự việc thì chúng tôi đã thu hồi giấy đi đường, đồng thời yêu cầu bạn này không làm công tác hỗ trợ nữa”, ông Phương nói (đọc toàn bản tin trên báo VTC News).
Thêm một sản phẩm mì xuất xứ Việt Nam bị thu hồi tại EU
Ngày 28/8, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản gửi Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) và Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương đề cập đến cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) về sản phẩm ăn liền có chứa Ethylene Oxide.
Cụ thể, sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken and beefspices” do Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương (địa chỉ tại quận 12, TP. HCM) sản xuất bị phát hiện chứa 0,052 mg/kg – ppm Ethylene Oxide, vi phạm Chỉ thị số 91/414/EEC của EU. Hiện sản phẩm này đang bị thu hồi tại thị trường Na Uy.
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị 2 cơ quan trên chỉ đạo kiểm tra, xác minh và yêu cầu Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương có giải pháp khắc phục ngay trong trường hợp có vi phạm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Đây là sản phẩm ăn liền thứ 3 có xuất xứ từ Việt Nam bị cơ quan quản lý châu Âu thu hồi (đọc toàn bản tin trên báo Zing).
Mời quý độc giả xem thêm video tin Covid-19 28/8: Kỷ lục buồn – hơn 17.000 ca nhiễm ghi nhận/ngày; ca chết lên mức 5 chữ số; 14 người trong gia đình mắc Covid-19