Thêm 10.585 ca, Việt Nam vượt 16.000 người tử vong vì Covid-19; NÓNG: Những cơ sở kinh doanh nào được hoạt động lại ở Hà Nội từ 12h ngày 16/9?; Người dân ký tên nhưng không được nhận tiền hỗ trợ… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 15/9/2021.
Tóm tắt nội dung
Thêm 10.585 ca
Tối 15/9, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.585 ca nhiễm mới với 2 người nhập cảnh và 10.583 trường hợp trong nước (5.823 ca cộng đồng), chủ yếu tại TP. HCM (5.301), Bình Dương (3.228), Đồng Nai (808), Long An (424), Kiên Giang (183), Tiền Giang (93)…
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 87 ca. Tại TP. HCM giảm 1.011 ca, Bình Dương tăng 1.050 ca, Đồng Nai tăng 31 ca, Long An tăng 45 ca, Kiên Giang tăng 26 ca.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 250 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.186.
Trong ngày có 14.189 ca khỏi.
NÓNG: Những cơ sở kinh doanh nào được hoạt động lại ở Hà Nội từ 12h ngày 16/9?
Chiều 15/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành công văn điều chỉnh một số biện pháp chống dịch trên địa bàn.
Theo đó, từ 12h ngày 16/9, các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ ngày 6/9) được phép cho hoạt động trở lại đối với cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ bán mang về, và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Thống kê của CDC Hà Nội, từ ngày 6/9 đến nay có 22 quận, huyện (trong tổng số 30 đơn vị hành chính ở cấp này) không ghi nhận ca mắc cộng đồng, gồm 6 quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên; 16 huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức và Phú Xuyên.
Người dân ký tên nhưng không được nhận tiền hỗ trợ
Chị Lê Thị Thanh Mai (46 tuổi, khu trọ số 54, đường số 1 thuộc tổ 6) kể đầu tháng 9, nhiều người thuê trọ trong 17 phòng nơi chị ở được tổ trưởng dân phố cầm phiếu đến từng nhà lấy danh sách nhận tiền hỗ trợ khó khăn bởi Covid-19. Mọi người được yêu cầu điền thông tin cá nhân và ký tên vào ô ký nhận bên góc phải tờ phiếu, bên cạnh có ghi mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Cán bộ phường nói sau 1-2 ngày sẽ phát tiền nhưng người dân chờ mãi không thấy.
Báo VnExpress nhiều lần liên hệ với bà Kiều Xuân, tổ trưởng tổ 6, nhưng không nhận được câu trả lời. Theo ông Cao Văn Hoàng, Chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú B, đến nay địa phương đã phát tiền cho khoảng 4.600 người dân. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh nhiều trường hợp cần giúp đỡ nên phường giao các tổ trưởng dân phố, công an khu vực lập danh sách bổ sung.
Về việc cán bộ khu phố yêu cầu người dân ký tên nhưng không nhận được tiền, Chủ tịch phường Tăng Nhơn Phú B giải thích, phường có 2 mẫu phiếu gồm phiếu khảo sát và phiếu chi tiền hỗ trợ. Phiếu khảo sát chỉ ghi thông tin cá nhân người dân và ký tên với mục đích “để xác nhận thông tin”, phiếu chi tiền tương tự nhưng thêm mục 1,5 triệu đồng.
“Có thể cán bộ khu phố nhiều việc, lấy nhầm mẫu phiếu chi tiền hỗ trợ và yêu cầu người dân ký nên mới xảy ra sự việc như vậy”, ông Hoàng nói và khẳng định “hoàn toàn không có chuyện trục lợi”. Phường sẽ chấn chỉnh các tổ trưởng dân phố để không xảy ra sự việc tương tự.
Ông Hoàng cho hay thời gian tới, phường sẽ rà soát người dân ở các khu trọ này, hỗ trợ phần quà gồm lương thực, nhu yếu phẩm. Về việc lập danh sách phát tiền, phường sẽ phân công cán bộ phụ trách từng khu phố để theo dõi, giám sát đảm bảo khách quan, chính xác.
Theo một lãnh đạo UBND TP. Thủ Đức, quy trình là tổ dân phố lập danh sách người khó khăn trình phường, sau đó đưa lên TP. Thủ Đức duyệt, phân bổ kinh phí về mới làm theo biểu mẫu ký nhận tiền. Đằng này cán bộ tổ dân phố phường Tăng Nhơn Phú B lại dùng biểu mẫu ký nhận tiền để thống kê khiến người dân hiểu lầm. Thành phố đã yêu cầu UBND phường Tăng Nhơn Phú B giải trình (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Người trốn trên xe đông lạnh khi về quê phải trả phí cách ly
Sáng 15/9, trao đổi với báo Zing, một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết tỉnh đã nhận văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phối hợp đưa công dân địa phương về quê.
“8 công dân Hà Tĩnh trên chuyến xe cùng ở huyện Can Lộc, khi về đến quê, họ được giao cho địa phương tiếp nhận đưa đi cách ly y tế. Chi phí cho việc xét nghiệm và cách ly, những người này phải tự trả”, vị lãnh đạo UBND tỉnh nói (đọc toàn bản tin trên báo Zing).
Kẻ cướp gí dao dọa nhân viên bán điện thoại, lấy 90 triệu đồng
Khoảng 17h chiều 14/9, Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe máy từ nhà đến gần cửa hàng Viettel store ở TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sau khi gửi xe, nam thanh niên trên đi bộ đến trước cửa hàng Viettel store quan sát.
Khoảng 19h tối cùng ngày, thấy trong cửa hàng chỉ còn 3 nhân viên và một người bảo vệ đứng bên ngoài, Hoàng đi bộ vào cửa chính, đến quầy thu ngân rồi dí dao trước mặt nhân viên cửa hàng đe dọa.
Thấy nhân viên quán hoảng sợ không dám phản ứng, Hoàng kéo ngăn kéo cửa hàng, hốt một nắm tiền rồi bỏ chạy.
Nghe tiếng tri hô, một số người dân địa phương cùng lực lượng chức năng truy đuổi, khống chế nam thanh niên. Tang vật thu giữ được trên người đối tượng này hơn 90 triệu đồng vừa cướp được và 1 con dao (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Mời quý độc giả xem thêm video tin Tổng Hợp (15/9): THIÊN TAI, DỊCH BỆNH dồn dập cuối năm. Trung Quốc “ra” quân chuẩn bị “XÂMLƯỢC”