Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 6/11.

Tin từ VietNamNet, trả lời báo chí ông Đông cho biết, 37 toa tàu này được sản xuất ở giai đoạn 1979-1982, chạy dầu diesel và khi nhập khẩu phương tiện đường sắt cần đăng kiểm lại, đảm bảo quy định của Chính phủ về an toàn, kỹ thuật, môi trường.

Trong khi đó đây là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong hoàn cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì vậy nếu có phương tiện thì nên tận dụng.

Dẫn Nghị định 65 của Chính phủ, ông Đông nói thêm, đối với phương tiện đường sắt, thì thời hạn sử dụng phải dưới 10 năm đối với toa xe và đầu máy chở khách.

Vì vậy, những toa xe sản xuất giai đoạn trên không đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật. Ngoài ra, khổ đường sắt của Nhật Bản là 1.067mm, còn của Việt Nam khổ hiện nay là 1.000mm nên khi đưa về phải hoán cải, đăng kiểm lại. Chi phí này mất khoảng 140 tỷ đồng theo tổng công ty báo cáo, chưa kể chi phí nhập khẩu, bến bãi, vận chuyển.

“Quan điểm của Bộ GTVT là không đồng thuận với đề xuất này, chúng tôi sẽ sớm có văn bản trình Chính phủ”, ông Đông nói.

Ảnh chụp màn hình báo Người Lao Động.

Trước đó, báo Thanh Niên có đưa tin, ngày 16/10, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam gửi văn lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản được sản xuất trong giai đoạn 1979-1982, đã qua sử dụng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác nhận, sau khoảng 40 năm vận hành, cả hai loại toa xe không gặp vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng. JR East sẽ chuyển giao miễn phí cho VNR các toa xe nếu có nhu cầu. Phía Việt Nam sẽ chịu chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo.

Dù không mất tiền mua, dự án có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, trong đó 40 tỷ đồng phí vận chuyển, 80 tỷ đồng hoán cải và các chi phí khác như đăng kiểm, tư vấn, dự phòng. Tổng vốn do doanh nghiệp tự huy động.

Từ Khóa: