Hầu hết các phân tích quốc tế đều tập trung vào việc liệu bà Pelosi có nên đến thăm Đài Loan hay không, hoặc là sự sụp đổ về chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc. Nhưng đó không phải điểm trọng tâm, vì dù bà Pelosi có đến Đài Loan hay không, thì Bắc Kinh vẫn hưởng lợi, theo ông Courtney Donovan Smith, nhà báo, cựu Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Đài Trung (Đài Loan).

Trong bài bình luận đăng trên Taiwan News ngày 21/8, ông Smith cho biết: Giới phân tích nhìn nhận các cuộc tập trận bắn đạn thật gần đây của quân đội Trung Quốc bao quanh Đài Loan theo 2 hướng.

Một bên là các nhà báo và nhà bình luận bình thường. Họ đưa ra lập luận rằng Trung Quốc đang phản ứng dữ dội với chuyến đi của bà Pelosi và muốn gửi một thông điệp cứng rắn tới Mỹ và Đài Loan.

Mặt khác, những nhà phân tích sâu sắc hơn sẽ nhận ra rằng Trung Quốc đã có kế hoạch leo thang hiện trạng tại eo biển Đài Loan và chuyến thăm của bà Pelosi chỉ giúp họ có “một cái cớ thuận tiện để thực hiện kế hoạch của mình”.

Trung Quốc đã lên kế hoạch rất rõ ràng trước khi bà Pelosi công bố ý định đến Đài Loan

Điều thực sự đáng chú ý là hành động của Trung Quốc đã được lên kế hoạch rõ ràng, theo ông Smith.

“Quy mô và độ phức tạp của các cuộc tập trận của Trung Quốc không thể được lên kế hoạch chỉ trong vài ngày”, ông Smith viết. Nhưng kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi chỉ được công bố trước vài ngày.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Flickr).
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Flickr).

Thật vậy, một báo cáo của Washington Post trích dẫn các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Hoa Kỳ đã nhìn thấy dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang xem xét hoạt động quân sự chưa từng có trên eo biển Đài Loan.

“Họ đã lên kế hoạch cẩn thận về mức độ mà họ sẵn sàng leo thang”, theo ông Smith.

Nhiều nhà bình luận ở nước ngoài đã đúng khi cho rằng những cuộc tập trận này hữu ích trong việc huấn luyện cho quân đội Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược hoặc một cuộc phong tỏa. Có lẽ họ nói đúng khi cho rằng điều đó đe dọa được Đài Loan. Nhưng rõ ràng điều đó đã phản tác dụng vì nó chỉ làm tăng thêm quyết tâm của Đài Loan.

“Nói tóm lại, những cuộc tập trận này là một thảm họa về chính sách đối ngoại và khiến việc thôn tính Đài Loan trở nên khó khăn hơn”, theo ông Smith.

Vậy tại sao chính quyền Tập Cận Bình lại bày ra trò biểu dương lực lượng tự hủy hoại này?

Ý đồ thực sự của Trung Quốc

Ông Smith cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình là tiếp tục nắm quyền. Đối tượng chính của họ là trong nước. Các cân nhắc về chính sách đối ngoại là thứ yếu”.

Ông Smith cho rằng: “Việc duy trì một chế độ độc tài đối với hơn 1,4 tỷ người trên quy mô lục địa không phải là một nhiệm vụ dễ dàng”.

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại nhanh chóng, lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang tăng vọt. Chính sách Zero Covid đang hủy hoại cuộc sống và kế sinh nhai của người dân.

Ông Tập đang đối mặt với cuộc khủng hoảng trong nước, nhưng ông vẫn muốn tiếp tục giữ ghế thêm một nhiệm kỳ nữa. Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu năm nay sẽ quyết định điều đó.

Vì vậy, các hoạt động gây hấn của chính quyền Tập Cận Bình xung quanh Đài Loan là một “quân bài” giúp ông Tập thu hút sự chú ý của công chúng ra khỏi cuộc khủng hoảng trong nước.

Bà Pelosi giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện kế hoạch như thế nào?

Chuyến thăm của bà Pelosi vừa khớp là giúp ĐCSTQ có một cái cớ hợp lý để thúc đẩy các hành động đó. Ngay sau khi bà Pelosi thông báo ý định đến Đài Loan, thì Bắc Kinh đã chiến thắng.

Nếu bà Pelosi lùi bước và không đến Đài Loan như kế hoạch, thì ĐCSTQ sẽ tung ra hàng loạt bài tuyên truyền rằng họ đã khiến Mỹ sợ hãi và không dám vượt qua “lằn ranh đỏ”. Sẽ có rất nhiều lời bàn tán về sự trỗi dậy của Trung Quốc và Mỹ là “con hổ giấy” như thế nào.

Nếu bà Pelosi thật sự đến Đài Loan, thì đó là một cái cớ để Trung Quốc tiến hành cuộc phô trương lực lượng quy mô lớn. Rất nhiều bình luận càng làm khuếch trương về phản ứng quyết liệu của Bắc Kinh với Đài Bắc.

Nhưng nếu phân tích kĩ ra thì thấy các biện pháp của Trung Quốc là “thùng rỗng kêu to”. Các tên lửa bay qua Đài Loan nằm trên đường Kármán, nghĩa là nằm bên ngoài không gian và do đó không nằm trong không phận của Đài Loan.

Kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc do chính sách cai trị độc tài và hàng loạt các quyết định sai lầm khiến nước này bị cô lập với thế giới. Ông Tập Cận Bình đã không ra ngoài Trung Quốc đại lục kể từ tháng 1/ 2020 (ảnh chụp báo DW).
Kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc do chính sách cai trị độc tài và hàng loạt các quyết định sai lầm khiến nước này bị cô lập với thế giới. Ông Tập Cận Bình đã không ra ngoài Trung Quốc đại lục kể từ tháng 1/ 2020 (ảnh chụp báo DW).

Danh sách đen thương mại mà Trung Quốc đưa ra là nhắm vào 2.066 sản phẩm thực phẩm và hơn 100 nhà sản xuất thực phẩm từ Đài Loan. Những con số này “nghe có vẻ ấn tượng, nhưng thực sự không phải vậy”. Theo phân tích của CNBC, nó chỉ ảnh hưởng 0,04% đến thương mại song phương giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Điều đó cho thấy ông Tập Cận Bình muốn phô trương với người dân trong nước, kích động chủ nghĩa dân tộc để họ quên đi cuộc hủng hoảng trong nước; từ đó tuyên truyền cho bản thân khi Đại hội ĐCSTQ sắp tới.

“Nếu có một sự leo thang khác trong thời gian chuẩn bị tới Đại hội Đảng lần thứ 20, điều đó có thể cho thấy rằng ông Tập và ĐCSTQ đang cảm thấy lo lắng”, ông Smith viết.

Vì vậy, chính quyền Tập Cận Bình có thể sẽ tạo ra những diễn biến leo thang khác để thu hút công chúng. Với tình hình kinh tế ảm đạm và chính sách Zero Covid gây bất bình ở Trung Quốc như hiện nay, thì khả năng sẽ còn có diễn biến leo thang khác, theo nhà báo Smith.

Có thể bạn quan tâm: