Từ bao đời nay, bánh đa nướng truyền thống đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Không cầu kỳ như các món sơn hào hải vị, tấm bánh đa mộc mạc nhưng đậm đà hương vị của đất, của trời, của tình quê hương sâu nặng.

Bánh đa nướng – Miếng quê mộc mạc giữa cuộc sống hiện đại

Được làm từ nguyên liệu chính là gạo – thứ lương thực gắn bó với người nông dân Việt – bánh đa truyền thống mang dáng hình chân thực của làng quê. Tùy từng địa phương, bánh có thể được thêm mè (vừng), đậu xanh, sắn, nước cốt dừa… tạo nên sự đa dạng và đặc trưng riêng biệt.

Trải qua bao thăng trầm, bánh đa vẫn giữ nguyên sức sống, len lỏi từ những phiên chợ quê đến phố thị phồn hoa. Trong nhịp sống hối hả hôm nay, đâu đó hương thơm của bánh đa nướng trên bếp than vẫn khiến lòng người xao xuyến, như một mạch ngầm ký ức chưa bao giờ tắt.

Các loại bánh đa nướng truyền thống

Không chỉ là món ăn, bánh đa truyền thống còn gắn với nếp sống địa phương và ký ức gia đình. Trong các mặt hàng ẩm thực làng nghề, nhiều loại bánh đa đã trở thành thương hiệu riêng:

  • Bánh đa Kế (Bắc Giang): Dày, dai, màu nâu đặc trưng nhờ bột sắn dây, rất được ưa chuộng trong những ngày lạnh.
  • Bánh đa Đô Lương: là thức quà đặc sản xứ Nghệ, thấm đẫm hương vị đặc trưng rất riêng của làng Đô Lương
  • Bánh đa dừa: có xuất xứ từ vùng miền Trung và Nam Bộ, trái dừa được chọn dùng làm nguyên liệu để tăng thêm hương vị cho bánh. Bánh đa dừa sau khi nướng lên sẽ có mùi thơm nức mũi, vô cùng lôi cuốn, khiến ai cũng mê mẩn.
  • Bánh đa Phúc Hạ: Khi có dịp ghé qua Phúc Hạ, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, hãy thử ngay những miếng bánh đa nướng đủ tất cả hương vị giòn, thơm, bùi bùi và ngọt nhẹ từ lúa mạch. Từng miếng bánh giòn tan, mùi vị rất riêng càng làm bạn thêm yêu quý hương vị làng quê mộc mạc và bình dị này.
Sản phẩm bánh đa Phúc Hạ, xã Hợp Lý, Lý Nhân, Hà Nam (Ảnh: internet)

Các bước làm bánh đa nướng truyền thống

1. Ngâm và xay gạo

Gạo sau khi được chọn kỹ sẽ được vo sạch và ngâm nước từ 6 đến 8 tiếng, thường là để qua đêm. Mục đích là để hạt gạo mềm, dễ xay và cho ra bột mịn. Sau khi ngâm đủ thời gian, gạo được đem đi xay bằng cối đá hoặc máy xay công nghiệp, trộn cùng một lượng nước sạch để tạo thành hỗn hợp bột nước sánh mịn. Một chút muối được thêm vào để tăng hương vị và bảo quản.

2. Lọc bột

Bột sau khi xay sẽ được lọc qua vải màn hoặc lưới mịn để loại bỏ các cặn thô. Người làm bánh thường để bột lắng lại vài tiếng, sau đó chắt bỏ phần nước trong bên trên để giữ lại lớp bột đặc ở dưới. Sau đó, họ khuấy đều hỗn hợp để có độ sánh thích hợp cho việc tráng bánh.

3. Tráng bánh

Đây là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm. Người ta sẽ dùng một nồi nước sôi lớn, phía trên là khuôn tráng bánh bằng vải căng trên miệng nồi. Khi nước trong nồi sôi, người làm sẽ múc một muôi bột đổ đều lên khuôn, dùng vá gạt nhẹ để bột dàn đều thành hình tròn mỏng. Sau khoảng 30 – 60 giây, bánh chín và được nhấc ra bằng que tre mỏng hoặc tấm vải, rồi đặt lên tấm phên tre hoặc vải để phơi.

Một số vùng như Hải Dương, Hà Nam, bánh đa còn được rắc thêm vừng (mè trắng hoặc mè đen), thậm chí là thêm dừa nạo hoặc hành phi để tăng hương vị.

4. Phơi bánh

Công đoạn phơi bánh cũng rất kỳ công (Ảnh: internet)

Bánh sau khi tráng sẽ được đem đi phơi nắng. Đây là bước rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Nếu nắng to, bánh sẽ khô trong vòng 1 ngày. Nếu trời âm u hoặc có mưa, thời gian phơi sẽ kéo dài, thậm chí phải phơi trong 2 – 3 ngày. Bánh phải được phơi đều để tránh cong vênh, gãy vỡ. Khi bánh khô hẳn, người ta có thể cắt thành từng miếng nhỏ để đóng gói hoặc để nguyên chiếc để nướng.

5. Nướng bánh

Bánh đa có thể được nướng bằng than hoa, than củi hoặc lò điện. Tuy nhiên, để giữ hương vị truyền thống, nhiều gia đình vẫn chọn nướng bằng than, vì bánh sẽ giòn và có mùi thơm đặc trưng. Khi nướng, người làm phải lật đều tay, để bánh không bị cháy và chín đều cả hai mặt.

Từ làng ra phố: Hành trình của bánh đa nướng truyền thống

Ngày nay, bánh đa nướng truyền thống đã vượt ra khỏi khuôn khổ làng quê, bước chân vào nhà hàng; siêu thị, thậm chí quán ăn vặt thành thị. Những món như bánh đa kê; bánh đa nướng chấm bò khô; Bánh đa xúc hến xào; Bánh đa xúc lươn; Bánh đa trộn; Bánh đa xúc tiết canh; Bánh đa với mì Quảng. Chính là minh chứng cho sự sống động của món ăn dân dã này.

Tuy đã có nhiều biến tấu, bánh đa truyền thống vẫn giữ được nét mộc mạc; dễ ăn và dễ gợi nhớ. Đó là lý do vì sao, dù sống giữa phố phường ồn ã; chỉ một mùi bánh nướng bay lên cũng khiến ai đó lặng người; ngỡ như nghe tiếng mẹ gọi về ăn cơm giữa buổi chiều quê xa.

Bánh đa nướng truyền thống
Món mì Quảng không thể nào thiếu bánh đa ăn kèm (Ảnh: VinID)

Giữ lửa nghề xưa – Lời kể từ người làm bánh

Giữa làng Kế (TP. Bắc Giang), trong một con ngõ nhỏ rợp bóng tre; bà Nguyễn Thị Đào – nghệ nhân làm bánh đa gần 40 năm; vẫn miệt mài bên lò than hồng. Dưới mái bếp đơn sơ, từng tấm bánh chín vàng đều tăm tắp hiện lên qua đôi tay dày dạn:

Ngày xưa nghèo, ai cũng phải biết tráng bánh mà ăn. Gạo ngâm xay bột, tráng lên từng tấm rồi gác phên tre đem phơi. Trời nắng thì còn đỡ, chứ mưa dầm là cực. Nhưng bánh làm xong, cả nhà quây quần bên bếp, nướng bánh ăn giòn tan, ngon hơn mọi thứ.”

Bà Đào nhẹ tay trở bánh, mắt vẫn dõi theo lửa:

“Làm bánh đa Kế phải kiên nhẫn. Nướng bánh không được để cháy, cũng không để sượng. Bánh ngon là phải vàng ươm, giòn rụm, thơm mè. Tôi vui nhất là lúc có người xa quê ghé mua, họ bảo ‘bánh như mùi của tuổi thơ’. Vậy là thấy nghề mình vẫn còn ý nghĩa.”

Anh Nguyễn Văn Hưng, cháu nội bà Đào – người đang nối nghiệp cho biết:

“Nghề làm bánh đa có cực, nhưng mình thấy đáng. Mỗi tấm bánh gửi đi là một phần hồn quê được giữ lại. Chúng tôi cũng đang tìm cách đóng gói hiện đại hơn, đưa bánh đa Kế lên sàn thương mại điện tử để nhiều người tiếp cận hơn.”

Bánh đa nướng truyền thống – Mảnh hồn quê còn mãi

Thời gian trôi, cuộc sống đổi thay; nhưng bánh đa truyền thống vẫn tồn tại, như sợi dây nối giữa quá khứ và hiện tại; giữa làng quê và phố thị. Nó không chỉ là món ăn, mà là biểu tượng của sự kiên nhẫn, của lòng tự hào quê hương; của những đôi tay tảo tần giữ lửa cho nghề xưa.

Trong mỗi tấm bánh giòn tan là tiếng chim buổi sáng; là tiếng cười giòn tan của lũ trẻ trong sân đất, là mùi khói bếp xưa – những điều tưởng đã phai; nhưng vẫn sống động trong ký ức người Việt.