Thôn Bát Quái Gia Cát tại Trung Quốc được xây dựng theo “bát trận đồ” của Gia Cát – Khổng Minh, còn được gọi với cái tên “Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn”. Với thiết kế này, thôn Bát Quái Gia Cát đã có nhiều sự kiện kỳ lạ được lịch sử ghi chép lại.

Bố cục tinh tế, bí ẩn

Thôn này có tên ‘Bát Quái Gia Cát’ hay còn gọi là ‘Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn’ được lập từ năm 1340, thuộc địa phận thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Theo lời kể của người dân, năm xưa, Gia Cát Đại Sư – cháu đời thứ 28 của Gia Cát Lượng tiên sinh đã chọn đây làm nơi an cư lạc nghiệp. Đích thân ông thiết kế nên ngôi làng dựa trên ý tưởng cửu cung bát quái một cách tỉ mỉ và có ý nghĩa lớn về mặt phong thủy.

Theo gia phả còn lại ở Lan Khê, hậu duệ thứ 14 của Gia Cát Lượng đã chuyển đến huyện Thủ Trường ở Chiết Giang để nhậm chức vụ quan huyện và ở lại từ đó. Đến đời con cháu thứ 28, Gia Cát Đại Sư mới chuyển đến làng Gia Cát định cư (ảnh: Dulichbenvung).

Nhìn từ trên cao xuống người ta sẽ thấy cấu trúc nhà ở đường xá giống hệt một mô hình bát quái khổng lồ. Địa hình tại ngôi làng này được bố trí ở giữa thấp và bằng phẳng, xung quanh cao dần lên. Nước chảy từ trên cao và tụ lại ở khu vực trung tâm, tạo thành một cái hồ nhỏ.

Hồ này có tên là Hồ Chuông bên trong có chứa nước trong veo, hình dáng giống thái cực với hai nửa âm dương rõ ràng. Đây là nơi bắt đầu của 8 con ngõ nhỏ chạy hướng ra bên ngoài tạo thành 8 cung: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài tương ứng với 8 quả núi bên ngoài thôn.

Hồ Chuông tươi mát, trong xanh cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong thôn (ảnh: tourtrungquoc).

Một điểm khiến thôn Bát Quái Gia Cát thu hút những người ưa khám phá nữa là ở kiến trúc đặc trưng cho triều đại nhà Minh của các ngôi nhà. Dù xây dựng cách đây đã 600 năm, nhưng đa số chúng vẫn còn được bảo toàn nguyên vẹn. Vì thế, khi đặt chân tới Bát Quái Gia Cát, người ta dễ dàng cảm thấy choáng ngợp bởi không gian cổ điển huyền bí, hòa hợp với thiên nhiên của nó.

Ở thôn Bát Quái Gia Cát, tất cả nhà được xây dựng theo hướng mặt đối mặt và dựa lưng vào nhau, các ngõ ngách đan xen chằng chịt tạo thành một khối kiến trúc bí ẩn. Có lời khao truyền rằng: nếu không phải là người có trí nhớ tốt thì chắc chắn người lạ vào thôn sẽ bị lạc bởi cấu trúc các ngõ ngách ở đây giống hệt mê cung không thể phá giải.

Phòng tuyến vững chắc

Qua lời kể của người dân bản địa có thể cho ta thấy: thôn Bát Quái Gia Cát không chỉ mang cấu trúc độc đáo mà còn là một phòng tuyến quân sự vững chắc.

Bố cục thôn Bát Quái được vẽ lại trên biển chỉ dẫn bên ngoài thôn. Với người không quen thuộc thì ngày nay khó nhận biết bố cục này (ảnh qua Kknews.cc).

Vào thời kỳ chiến tranh bắc phạt năm 1925, quân đội của Tiêu Kính Quang thuộc quân cách mạng quốc gia phía nam và phe quân phiệt Tôn Truyền Phương giao tranh. Hai bên đánh nhau ác liệt suốt ba ngày đêm liên tục ở gần thôn Bát Quái. Vậy mà không một viên đạn nào lọt được vào bên trong, toàn bộ ngôi làng được bảo toàn nguyên vẹn.

Trong giai đoạn kháng chiến, một nhóm quân Nhật càn quét qua ngọn đồi Cao Long bên ngoài thôn. Thế nhưng điều kỳ lạ là nhóm quân đội này không phát hiện ra ngôi làng vì thế người dân nơi đây không bị một chút tổn hại nào. 

Lại có một câu chuyện khác, xưa kia có một nhóm đạo tặc xông vào làng tấn công nhà dân và cướp bóc. Chúng chạy ra khỏi con đường trông giống như đường thông nhưng chạy mãi thì lại vào ngõ cụt. Cuối cùng do không tìm được lối ra nên đành phải đầu hàng, giơ tay chịu trói. Đó chính nhờ bố cục “trận đồ” – một cảnh giới trí tuệ siêu việt của vị Tướng quốc lừng danh sống cách đây hơn 1700 năm: Gia Cát Lượng.

“Bảo tàng sống” lưu giữ giá trị kiến trúc Nguyên – Minh – Thanh

Với tính năng phòng vệ mạnh mẽ, Gia Cát kỳ thôn như một viện bảo tàng sống, bảo tồn nguyên vẹn rất nhiều văn vật và kiến trúc cổ của ba triều đại Nguyên – Minh – Thanh.

Kiến trúc nhà hai tầng thời nhà MInh (ảnh: 19lou).

Xuôi dòng theo những biến cố lịch sử, trải qua nhiều thời đại, chứng kiến xã hội rối ren, chiến tranh liên miên trong khoảng 700 năm, và dẫu có bao nhiêu danh lầu cổ tự, lâm viên đài các, hoặc thành tro bụi trong chiến hỏa, hoặc bị hủy hoại do thiên tai, nhưng thôn Gia Cát lại giống như chốn bồng lai tiên cảnh ở nhân gian, xa rời được chiến hỏa, né tránh được thiên tai nhân họa.

Cấu trúc “tứ hợp viện” (ảnh minh hoạ: happynest).

Ngoài ra các ngôi nhà ở thôn Gia Cát chủ yếu áp dụng phương thức “tứ hộ viện” để xây dựng nhà cửa (tức là bốn mặt nhà đóng kín, chỉ để ở giữa một khoảng sân lớn). Mặt trước của ngôi nhà thường cao hơn những mặt khác, mỗi khi trời mưa nước tập trung hết ở khoảng sân ở giữa.

Người thôn Bát Quái gọi đây là “phì thủy bất ngoại lưu” nghĩa là dòng nước trong lành, tươi tốt không chảy ra ngoài, sẽ mang tới may mắn và thịnh vượng cho gia đình.

Phong tục tập quán tốt đẹp

Theo một thống kê trong Hội thảo về Gia Cát Lượng lần thứ 7, có khoảng 16.000 hậu duệ của Gia Cát Lượng ở Trung Quốc. Trong đó, một phần tư (khoảng 4.000 người) sống tập trung tại Gia Cát trấn. Trải qua thời gian, cộng đồng dân cư này cũng hình thành một lối sống rất độc đáo, khác biệt với thế giới bên ngoài. Đó là lối sống bình dị, chân thật nhưng cũng đầy thú vị. 

Một góc bình yên (ảnh: We25).

Trong những con ngõ nhỏ, các ngôi nhà không được xây đối diện nhau mà tất cả đều được đan xen so le theo lối “môn không đăng, hộ không đối”. Điều này được lý giải bởi theo quan niệm của người dân ở đây, nếu hai nhà “cổng đối cổng”, ngày ngày mọi người trong gia đình ra vào, qua lại nhiều quá dễ dẫn đến mâu thuẫn không đáng có. Vì vậy, nếu xây nhà theo lối đan xen thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Nhà nhà san sát nhau, nhưng mỗi gia đình đều có được không gian sinh hoạt riêng tư. Không chạm mặt thường xuyên cũng khiến người dân giữ lễ nghĩa với nhau như khách đường xa. Tình làng nghĩa xóm vì thế mà thêm phần tốt đẹp.

Có lẽ chỉ có hậu duệ của chính trị gia, nhà chỉ huy quân sự tài hoa Gia Cát Lượng mới có thể nghĩ ra phương pháp giữ mối quan hệ tốt đẹp hiệu quả mà lại vô cùng đơn giản như vậy.

Tại ngôi làng cổ này, không khí vô cùng trong lành và xanh mát. Đây cũng là một điều kiện lý tưởng thu hút khách du lịch về nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc căng thẳng. Mỗi năm dân số và nhà cửa ở làng Bát Quái Gia Cát đều tăng nhưng không làm mất đi cấu trúc độc đáo của nó.

Cách bài trí tinh vi “môn không đăng, hậu không đối” của những ngôi nhà Gia Cát (ảnh: tourtrungquoc).

Hiếm có nơi nào lại có được cấu trúc độc đáo như “kỳ thôn” Bát Quái Chu Cát của Trung Quốc. Phong cách kiến trúc cổ kính khiến cho người ta như đắm chìm trong không gian của sự dung hòa giữa thiên nhiên kỳ diệu và bàn tay khối óc không giới hạn của con người.

Có thể bạn quan tâm:

Từ Khóa: