Buông bỏ là sự giải thoát, đồng thời là trí tuệ của nhân sinh. Đời người có thể buông bỏ mới giảm bớt được thống khổ và thực sự hạnh phúc.

Buông bỏ truy cầu

Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác bản thân có được thứ mà mình hằng mong muốn, nhưng rồi ngay tại khoảnh khắc ấy bỗng cảm thấy hình như điều đó không thật sự hạnh phúc như mình tưởng tượng hay chưa?

Thực ra, bất kể là theo đuổi điều gì, bất kể chúng ta mong muốn có được thứ gì; nó chẳng qua cũng chỉ là một thứ dục vọng khống chế tư tưởng bản thân mà thôi. Theo thời gian, cái dục vọng này dần lớn lên và sẽ che mờ đi bản tính lương thiện vốn có trong mỗi người.

Buông bỏ truy cầu
Sống ở đời, bạn mưu cầu đạt được điều gì? Bạn có muốn sở hữu được thứ mà mình đang khát khao? Muốn chiếm cho bằng được công việc, tiền tài, danh vọng, tình yêu hay không? (ảnh: cafebiz).

Trên đời này, hỏi có bao nhiêu người có thể sống trong truy cầu danh, lợi mà thực sự thoải mái, vui vẻ? Và có bao nhiêu người có thể đứng trước danh, lợi mà vẫn dửng dưng buông bỏ một cách nhẹ nhàng?

Con người sống trên đời, cần học được cách hài lòng với thực tại; và thực hành buông bỏ dần đi những truy cầu phù phiếm. Ở vào thời khắc quan trọng nếu có thể đặt xuống được, buông bỏ đi được, thì niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự sẽ tự khắc trở về bên ta.

Buông bỏ tranh đấu

Từng có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng nọ đang ngồi xem điện thoại cùng nhau. Họ lướt qua thấy một bình nước; người vợ nói bình nước màu hồng, người chồng nói nó màu vàng. Hai người sau đó đã xảy ra tranh cãi về chuyện xem bình nước màu gì. Không ai chịu nhường ai, cuối cùng, chỉ từ vấn đề nhỏ nhoi là “màu của bình nước” biến thành “chúng ta có hòa thuận để sống với nhau không”; rồi lại cãi nhau, không ai chịu lùi bước. Càng cãi càng cho rằng đối phương không yêu mình, cuối cùng ra tòa ly hôn!

Thực ra khi nghĩ lại việc cái bình nước màu gì, nó thực sự quan trọng hay không? Là hồng cũng được, mà màu vàng thì có vấn đề gì sao? Nó thay đổi được điều gì đó lớn lao lắm ư? Chỉ vì một chút khẩu khí của bản thân mà cố gắng cãi nhau tới mức ly hôn; liệu có đáng phải làm căng thẳng đến mức độ như vậy hay không?

Buông bỏ tức giận
Có những chuyện đâu cần phải truy cho đến tận cùng. Chuyện gì cho qua được thì cứ cho qua bởi cái cuối cùng ta cần giữ lại chẳng phải là hòa khí và sự vui vẻ, an nhiên đó sao.

Chúng ta cần phải hiểu rằng, có những khi, tranh luận với nhau là điều cần thiết, nhưng có lúc nó lại chẳng có chút ý nghĩa gì. Những cuộc cãi vã vô nghĩa chẳng đâu ra đâu, sẽ chỉ khiến chúng ta mất đi tình cảm nhiều hơn.

Buông bỏ tức giận

Ngoài việc đem lại sự không vui, không thoải mái ra thì cơn nóng giận căn bản không hề mang lại giá trị tốt đẹp nào cho bất cứ ai. Bởi lẽ đó, đừng nên tức giận, đừng tự trừng phạt mình.

Chúng ta cần hiểu rằng tức giận không có khả năng giúp giải quyết được bất cứ điều gì. Càng nuôi dưỡng nó thì chỉ càng khiến mình trở nên ngột ngạt, khó chịu hơn mà thôi.

Thay vì như vậy, chi bằng hãy tha thứ tất cả; nghĩ thoáng hơn một chút, mở ra một con đường thản đãng hơn cho chính mình.

Buông bỏ tức giận
Khi chúng ta gặp một chuyện gì đó mà tức đến nỗi bỏ cơm, rồi không còn tập trung mà làm được những chuyện cần làm… Nhưng thử suy nghĩ kỹ lại xem, sự tức giận đó liệu có mang lại điều gì ý nghĩa gì cho chính mình không?

Hãy để bản thân được chầm chậm tận hưởng cuộc sống tươi đẹp này. Tôn trọng người khác nhiều hơn, từ từ yêu thương chính mình, để cảm nhận sự tốt đẹp và hạnh phúc.

Và rồi tự mình nhận ra rằng, mỗi người là một cá thể riêng biệt không ai giống ai. Chúng ta không cần thiết phải dùng quy tắc của mình để áp đặt và buộc người khác phải thực hiện theo.

Chúng ta cũng không thể bắt người khác trở nên giống như mình; càng không thể yêu cầu người khác phải đối xử với chúng ta theo cách mà bản thân mong muốn. Điều duy nhất mỗi người có thể làm là tự mình yêu cầu nghiêm khắc với chính mình mà thôi.

Buông bỏ phiền não

Một người muốn học được cách buông bỏ phiền não thì trước tiên cần học được cách tiếp nhận; sống thuận theo tự nhiên, thản nhiên đối mặt với những nghịch cảnh trong cuộc sống; học được cách mỉm cười với nhân sinh bằng tâm thái tích cực, quan tâm nhiều đến người khác.

Rất nhiều người sở dĩ thống khổ là bởi vì trong tâm họ luôn nghĩ đến những điều xấu xa, tiêu cực trong cuộc sống. Đối với một việc gì đó không đúng đắn, đã nhận thức được rồi thì hãy nhìn về phía trước để vui vẻ bước tiếp. Nếu chỉ ngồi đó mà hối hận thì bạn sẽ chỉ chìm trong sự dày vò của bản thân, đau khổ đó mà thôi.

Quá nhiều phiền não, u buồn sẽ khiến tâm linh của chúng ta mệt mỏi. Vậy sao không thản nhiên buông bỏ xuống để đi đoạn đường đời được thong dong, thản đãng?

Người biết buông bỏ thì cuộc đời mới thong dong tự tại
Cổ ngữ nói: “Cầm lên được, hạ xuống được”. “Cầm lên được” là năng lực, là nắm giữ, chịu trách nhiệm. “Hạ xuống được” lại là trí tuệ, là giải thoát, là tiêu diêu tự tại.

Cho nên, trong cuộc sống việc gì nên nắm giữ thì nắm giữ, việc gì không nên giữ thì đơn giản chỉ cần buông!