Ca sĩ Quang Vĩnh, một người hát nhạc Pháp nổi tiếng suốt gần 40 năm tại Sài Gòn, vừa qua đời sáng ngày 22/8 sau thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

Theo Thanh Niên, sáng 22/8, nghệ sĩ pianist Vũ Trọng Hiếu – em trai ca sĩ Quang Vĩnh thông báo tin buồn trên trang cá nhân:

“Gia đình chúng tôi đau xót xin báo tin đến tất cả bạn bè thân hữu gần xa của anh Quang Vĩnh được biết: Ca sĩ hát nhạc Pháp – Quang Vĩnh đã ra đi, lúc 3 giờ 30 sáng nay 22/8, sau thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Mong anh đến một thế giới mới được bình yên và sớm siêu thoát, anh của mình nhé…! Anh luôn trong trái tim của gia đình. Thương nhớ anh”.

Quang Vĩnh tên đầy đủ là Vũ Văn Vĩnh, (sinh 1959 tại Sài Gòn). Bố mẹ ông là bộ đôi ca sĩ Ngọc Quang – Thanh Nguyên chuyên hát cho đài phát thanh. Ông nổi tiếng khi xuất hiện với phong thái lãng tử, phong trần, hát những tình khúc nhạc Pháp ở khắp các quán cà phê, bar, pub tại Sài Gòn như Carmen, Guitar Gỗ, Napoli, Sixteen Club, Bản Sonate…

Ngay từ nhỏ, Quang Vĩnh bén duyên với nhạc Pháp từ việc học tại một trường của Pháp trước năm 1975 và sau đó làm quen với tiếng Pháp qua sự dạy dỗ, hướng dẫn của mẹ. Năm 1982, Quang Vĩnh bắt đầu chơi nhạc cụ (trống, ghita) và bắt đầu đánh trống chuyên nghiệp cho các ban nhạc từ 1984. Trong những buổi tập luyện, ông ngân nga từng câu hát nhạc Pháp và bắt đầu hát cho đến tận ngày nay.

Trước khi trở thành ca sĩ, Quang Vĩnh từng là một nhạc công chơi trống và ghita (ảnh chụp màn hình trên báo Tuổi Trẻ).

“Nghe nhạc Pháp xưa, họ tìm thấy kỷ niệm của mình trong đó”

Theo Tuổi Trẻ, với vốn liếng gần 200 bài hát nhạc Pháp tích lũy được, Quang Vĩnh ngân nga câu hát tại các quán bar, quán cà phê. Người hâm mộ nhạc Pháp, chắc hẳn không ai xa lạ với giọng hát nội lực, ngọt ngào của ông.

Khán giả thường nghe Quang Vĩnh hát những tình khúc đầy đam mê của các tượng đài một thời như:  Maman, Je Ne T’aime Plus, Les Mots Bleus, Si L’amour Existe Encore, Coupable, Adieu Jolie Candy, Les Amoureux Qui Passent…  – hầu hết đều có từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước.

Năm 2013, Tổng lãnh sự Pháp tổ chức chương trình do ca sĩ Christophe từ Pháp sang biểu diễn và Quang Vĩnh đã có cơ hội dứng chung sân khấu với thần tượng của mình (ảnh chụp màn hình trên báo Tuổi Trẻ).
Năm 2013, Tổng lãnh sự Pháp tổ chức chương trình do ca sĩ Christophe từ Pháp sang biểu diễn và Quang Vĩnh đã có cơ hội đứng chung sân khấu với người mình mến mộ bấy lâu (ảnh chụp màn hình trên báo Tuổi Trẻ).

Ông từng chia sẻ: “Nhạc Pháp hay, lãng mạn, nghe nhạc Pháp, con người ta dễ có cảm xúc. Vì thế tôi trung thành với nhạc Pháp. Tôi thích những bản nhạc Pháp cũ từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước vì từng câu chữ, từng lời bài hát đều ý nghĩa, đầy chất thơ. Lý do tôi chọn ca khúc của hai thập niên này vì có quá nhiều bài hay, và vì đa số người nghe của tôi thích, họ tìm thấy kỷ niệm của mình trong đó”.

“Sở dĩ tôi thường hát những ca khúc ở giai đoạn này vì đây là những bài hát không chỉ hay về giai điệu mà còn ca từ. Từng câu chữ, từng lời bài hát đều ý nghĩa, đầy chất thơ. Nhạc Pháp hiện đại tôi vẫn hát, nhưng không nhiều, vì tôi dường như không “cảm” được nó bằng những bài hát trước đây” – Quang Vĩnh nói.

Sinh thời, ca sĩ Quang Vĩnh từng chia sẻ rất tri ân và trân trọng nghề hát vì đã giúp anh có được tên tuổi và cuộc sống ngày hôm nay: “Tôi đến với việc hát tiếng Pháp rất tự nhiên, không do cố tình chọn lựa. Do thất nghiệp đánh trống mà thành ca sĩ bất đắc dĩ, rồi gặp may vì số người chuyên hát tiếng Pháp tại TP.HCM không nhiều, nên mới có được việc làm thường xuyên, đủ lo cho hai con trai vào đại học. Cũng thật thà mà khai, nếu không mê tiếng Pháp thì với tuổi tác, nhan sắc và giọng của tôi mà hát tiếng Việt, tiếng Anh thì không trụ nổi 3 tháng đâu, chứ đừng nói giữ được việc, nuôi được con”.

Từ Khóa: