Giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, ngôi nhà thiện nguyện của anh Trần Văn Hiền (46 tuổi, ngụ phường Thành Phước, Thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) vẫn luôn ấm áp bởi tình người. Bởi lẽ, đây là nơi chốn đi về, che chở nắng mưa cho những mảnh đời bất hạnh phải đương đầu với căn bệnh mang tên suy thận.

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet trong buổi sáng thu, trong căn nhà thiện nguyện, với nước da vàng sạm, bọng mặt kéo to kéo trùng xuống, chị Nguyễn Thị Kiều Bảy (49 tuổi, quê xã Hoà Bình, Trà Ôn, Vĩnh Long) nhắc về nỗi cơ cực của những người phải chạy thận lâu năm.

Chị kể, vợ chồng chị đang tá túc tại nhà anh Hiền để hằng ngày chống chọi với căn bệnh thận nhân tạo từ 9 năm nay. Trước đây vì phải chạy thận một tuần 3 lần, mỗi lần 3-4 tiếng nên có những hôm chạy xong thì trời đã tối, hai vợ chồng chị phải nằm ngủ ở hành lang bệnh viện.

Đến khi nghe nói anh Hiền có xây nhà ở thị xã Bình Minh (cách Cần Thơ chỉ con sông Hậu) cho những bệnh nhân chạy thận tá túc miễn phí vợ chồng chị liền xin sang sống nhờ.

“Ở đây, vợ chồng tôi được miễn phí ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt… Mỗi lần sang Cần Thơ chạy thận có xe cứu thương từ thiện đưa sang rồi rước về nên tôi không tốn đồng nào”, chị Bảy chia sẻ. 

Ảnh chụp màn hình báo VietNamNet.

Cùng cảnh ngộ chạy thận như chị Bảy là anh Phạm Văn Hoà 25 tuổi (ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ).

Năm 2015, người anh thường xuyên mệt mỏi, chân nhức mỏi, sưng to, khi vào bệnh viện khám thì bác sĩ bảo “thiếu canxi”. Kiểm tra lại lần nữa, bác sĩ kết luận suy thận ở giai đoạn cuối. “ Lúc đó tôi suy sụp dữ lắm”, anh Hoà kể.

Cũng từ đó cuộc chiến giành lại sự sống mong manh bắt đầu với chàng trai trẻ này. Với mỗi tuần đến viện lọc máu 3 lần Hoà bất đắt dĩ trở thành “công dân” chạy thận của Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ.

Ảnh chụp màn hình báo VietNamNet.

Gặp trọng bệnh, chẳng những tốn kém tiền của, mà Hòa còn buồn bã vì cả đời sẽ phải sống với chiếc máy chạy thận. Và chữa bệnh trường kỳ, sẽ phải đối diện với sự đơn độc. Nhưng từ khi về sống chung trong mái nhà của anh Hiền, nhiều mối lo buồn trong Hòa đã được giải tỏa. Chàng trai trẻ bảo, anh xác định bệnh của mình mỗi ngày sẽ nặng thêm, sự sống có thể chỉ tính bằng ngày, nhưng dù thế nào mình vẫn phải yêu quý cuộc sống.

Giúp người sống, an ủi vong linh người đã mất

Cũng như chị Bảy, anh Hòa, hơn 20 người đang lưu trú tại mái ấm anh Hiền tạo dựng đã từng mặc cảm, buồn chán với thân phận bệnh trọng. Họ mỗi người một quê, người ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ… đang duy trì cuộc sống từng ngày. Từ ngày về ở chung mái nhà thiện nguyện, có bạn đồng cảnh ngộ chia sẻ, và nhận được sự quan tâm ấm áp từ vợ chồng anh Hiền, những bệnh nhân dần vơi buồn tủi. Họ cảm thấy, cuộc đời này vẫn còn những tình người chân thật để làm điểm tựa giúp mình bước tiếp.

Còn đối với anh Hiền, điều thôi thúc vợ chồng anh xây nhà rồi mời “người dưng” đến ở là từ tâm niệm “của cải, tiền bạc rồi cũng hết, tôi chỉ muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống”. Anh chia sẻ với báo Thanh Niên, căn nhà được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2019, với diện tích 200 m2,  có đầy đủ giường, nệm, mùng, mền, nhà vệ sinh… 

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Anh Hiền cũng không quên nhắc đến nhiều mạnh thường quân cũng chung tay với anh để giúp đỡ, kéo dài sự sống cho các bệnh nhân.

Không chỉ trọn vẹn với người sống, anh Hiền bảo, anh cũng muốn làm những việc có thể khiến vong linh người đã khuất cảm thấy an lòng. Ở trong khu nhà anh dựng, những bệnh nhân qua đời nếu không có người thân, anh sẽ cùng các mạnh thường quân tổ chức đám ma, tụng kinh, rồi mang đi thiêu, tro cốt sẽ được gửi vào chùa. Ngoài ra anh còn tham gia vào đội cứu hộ đường thủy, chuyên đi vớt những thi thể chết đuối trên sông Hậu.