Khang trang, bề thế với kinh phí đến gần 240 tỷ đồng, nhưng hoàn thiện thời gian lâu, cầu Cẩm Kim vượt sông Thu Bồn ở Quảng Nam lại không thể lưu thông xe vì không có đường dẫn.

Báo Dân Trí đưa tin, dự án cầu Cẩm Kim được đầu tư hơn 240 tỷ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư; quản lý bởi 6 đơn vị. Nguồn vốn dự án từ vay ODA của Tổ chức JICA (Nhật Bản) và nguồn vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam.

Cầu gồm 15 nhịp, rộng 12m, tổng chiều dài 1.026 m; trong đó chiều dài cầu 738 m. Đường hai đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng có tốc độ thiết kế 80 km/h. Được khởi công tháng 10/2019, dự kiến tháng 6/2020 cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đến nay, cầu Cẩm Kim đã hoàn thành hệ thống thoát nước mặt cầu, hệ thống điện đường đã xong nhưng phần đường dẫn ở phía thị xã Điện Bàn vẫn chưa được thi công vì vì thị xã Điện Bàn chưa bàn giao mặt bằng. Bởi vậy, cây cầu vẫn không thể thông xe như dự kiến.

Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí.

Đưa tin về tình cảnh cây cầu trăm tỷ làm xong rồi hóa ‘cây cầu cô đơn’, báo Thanh Niên cho biết, người dân điểm đầu cầu kêu giá đền bù quá thấp; vì vậy chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để làm đường dẫn.

Bà Huỳnh Thị Tình (70 tuổi, xã Điện Phương, Điện Bàn) nằm trong diện giải tỏa đền bù, nói: “Gia đình tôi có 530 m2 đất nằm trong diện giải tỏa, tuy nhiên nhà nước chỉ đền bù 2,1 triệu đồng/m2 đất. Mức đền bù với giá đó là quá thấp, không thỏa đáng nên gia đình tôi chưa chấp nhận”.

Tương tự như bà Tình, 5 hộ khác trong thôn Triêm Tây cũng không đồng ý với mức giá đền bù giải tỏa làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công đường dẫn.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Về phía chính quyền, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, cho biết do vướng mắc mặt bằng của 6 hộ dân nên phần đường dẫn lên cầu Cẩm Kim chưa được giải tỏa để thi công. Hiện địa phương đang xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân này. Các thủ tục đang được tiến hành, khi khu tái định cư xong sẽ làm việc với các hộ dân, đưa họ đến nơi tái định cư.

“Do chưa có khu tái định cư nên chưa thể đối thoại với dân để đưa ra giá đền bù, nên không thể nói là đền bù hợp lý hay không hợp lý. Khi nhà nước đưa phương án giá ra mà người dân nói không hợp lý thì lúc đó mới giải quyết”, ông Hà khẳng định.

Cũng theo ông Hà, cầu Cẩm Kim là dự án công nên giá đền bù do nhà nước quy định. Việc người dân yêu cầu có mức giá cao như giá của doanh nghiệp thì sau này sẽ đối thoại, giải quyết.

“Về thông tin áp giá đền bù 2,1 triệu đồng/m2, mức giá này Trung tâm quỹ đất TX.Điện Bàn mới lên phương án sơ bộ nên có thể người dân nắm và nói như vậy. Để có giá đền bù chính thức thì phải chờ phê duyệt”, ông Hà nói thêm.

Kính mời quý độc giả đăng ký theo dõi tin tức cập nhật của MUCNews tại: