Chạm mốc gần 2.000 F0, 8 quận ở Hà Nội thành vùng cam; Công ty Dược Quảng Bình: Nhận 20%-25% hoa hồng’ của Việt Á… là những thông tin nổi bật của bản tin sáng nay 26/12.

Dưới đây là thông tin chi tiết

Chạm mốc gần 2.000 F0, 8 quận ở Hà Nội thành vùng cam

Chiều 25/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội thông tin thêm 1.879 người nhiễm Covid-19.

Theo đó, 8 quận của Hà Nội chuyển sang cấp độ 3 (vùng cam, tức vùng có nguy cơ cao. Gồm: quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Nam Từ Liêm. Duy nhất huyện Phúc Thọ ở cấp độ 1, nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh. 21 quận, huyện còn lại ở cấp độ 2 và không có quận, huyện nào thuộc “vùng đỏ” (cấp độ 4 – nguy cơ rất cao).

Trong đợt dịch 4 (từ 29/4) đến nay, Hà Nội ghi nhận 37.522 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó số ca cộng đồng là 13.539, số ca được cách ly là 23.983.

Không có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, người đến Bắc Giang phải quay về

Theo VietNamNet, nhiều người dân Hà Nội tới Bắc Giang phải quay về do không có giấy xét nghiệm y tế dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19. Hiện quy định kiểm soát người dân ngoại tỉnh, đặc biệt là người từ các vùng đang có dịch được tỉnh Bắc Giang áp dụng theo văn bản ban hành ngày 25/11. Văn bản này yêu cầu siết chặt kiểm soát đối với người ra vào tỉnh, đặc biệt là từ TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, công nhân, các lái xe, lao động tự do, những người làm ăn, buôn bán, học tập thường xuyên đi lại giữa Bắc Giang – Bắc Ninh phải xét nghiệm 100%. Toàn bộ công nhân, chuyên gia, người cung cấp dịch vụ thường xuyên đi lại giữa Bắc Ninh và Bắc Giang phải xét nghiệm 3 ngày/lần; nếu tình hình dịch phức tạp thì phải ở lại Bắc Giang, không đi lại hàng ngày.

Công ty Dược Quảng Bình: Nhận “hoa hồng” của Việt Á từ 20%-25%

Ngày 23/12, làm việc với phóng viên báo Tiền Phong, ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình cho biết: Toàn bộ hồ sơ, hợp đồng liên quan đến việc mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á đã giao cho công an nên không có để cung cấp chi tiết.

Theo ông Ngọc, từ tháng 7/2020, Công ty CP Dược Quảng Bình bắt đầu mua kit xét nghiệm Covid-19 của nhiều hãng, trong đó có kit xét nghiệm của Công ty Việt Á để về bán lại cho CDC và bệnh viện của các tỉnh.

Ông Ngọc thừa nhận, trên mỗi đơn hàng kit xét nghiệm của Việt Á, Công ty Dược phẩm Quảng Bình được “chiết khấu” từ 20% đến 25% bằng chính kit xét nghiệm. Và những kit xét nghiệm Covid-19 được “chiết khấu” này, Công ty Dược phẩm Quảng Bình mang bán theo giá công bố của Bộ Y tế để kiếm lời, xem chi tiết báo Zing.

Tạm giữ 70 tấn bột trét tường giả thương hiệu Jotun, Dulux

Theo VTC News, ngày 25/12, Công an quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng tạm giữ hình sự vợ chồng Mai Hoàng Long (36 tuổi), Nguyễn Thị Hạnh (33 tuổi) để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Ngày 24/12, Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất bột trát tường tại địa chỉ 48 Hồng Thái (phường Hòa Minh) của Công ty TNHH MTV Hoàng Long Dũng do Mai Hoàng Long làm giám đốc.

Tại đây, lực lượng công an bắt quả tang các công nhân của công ty này đang làm giả bột trát tường của 2 thương hiệu nổi tiếng, thịnh hành trên thị trường.

Tang vật kiểm đếm tại hiện trường gồm hơn 70 tấn nguyên liệu, thành phẩm bột trát tường Trung Quốc cùng hàng nghìn bao bì giả các thương hiệu nổi tiếng.

Các quận trung tâm Hà Nội cấm bán hàng ăn uống tại chỗ

Theo VnExpress, chiều 25/12, ngay sau khi Hà Nội công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống Covid-19, nhiều quận ở cấp độ 3 đã thông báo áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng, áp dụng từ 12h ngày mai, 26/12.

Theo đó, quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm sẽ đưa ra nhiều biện pháp siết chặt công tác phòng, chống dịch, trong đó có hạn chế hoạt động tập trung đông người. Cửa hàng ăn, uống chỉ được bán mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày; cấm buôn bán tại chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở hoạt động không quá 50% công suất.

Từ Khóa: