Chỉ còn ít giờ nữa NASA sẽ phóng tàu vũ trụ Orion lên Mặt trăng bằng siêu tên lửa đẩy SLS nếu theo đúng dự kiến (29/8), trong một kế hoạch tái chinh phục hành tinh này khi Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho tham vọng đặt căn cứ thường trực tại đây.

Không gian là vùng đất chiến lược cuối cùng của các cường quốc quân sự trên thế giới. Nếu ai đó kiểm soát không gian thì người đó hoàn toàn có thể thống trị Trái đất. 

Brandon J. Weichert, nhà phân tích địa chính trị nổi tiếng người Mỹ, tác giả cuốn “Chiến thắng không gian: Cách nước Mỹ duy trì vị thế siêu cường” từng cảnh báo: “Ngày nay, Trung Quốc đã sẵn sàng để chinh phục các quỹ đạo xung quanh Trái đất và thống trị Mặt trăng, trong nỗ lực soán ngôi cường quốc số 1 thế giới của Mỹ”. 

Tên lửa SLS: ‘Quái vật’ lớn nhất thế giới 

Bất chấp các tia sét đánh trúng bệ phóng ở bang Florida trong vài ngày qua, tên lửa khổng lồ nhất của NASA – Hệ thống Phóng Không gian (SLS), dự kiến ​​sẽ được phóng vào sáng thứ Hai (29/8 theo giờ Mỹ) – tức tối nay theo giờ Việt Nam – từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida (Mỹ).

Thời gian phóng SLS sẽ kéo dài 2 tiếng, trong trường hợp có vấn đề về thời tiết hoặc trục trặc kỹ thuật, NASA sẽ thay đổi lịch phóng vào ngày 2/9 và ngày 5/9.

Theo Space, người đứng đầu Sứ mệnh Artemis 1 của NASA là ông Mike Sarafin cho biết:“Chúng tôi nhận thấy rằng tâm trạng chung và sự tập trung của nhóm chắc chắn là tích cực”.  

“Nào mọi người. Thắt dây an toàn. Chúng ta sẽ lên Mặt trăng”, Jacob Bleacher, Trưởng ban Khoa học thám hiểm thuộc Ban Giám đốc Nhiệm vụ Hoạt động và Thám hiểm Con người của NASA cho biết. 

Tên lửa SLS có chiều cao khổng lồ xấp xỉ 100 mét (322 feet). Nếu Saturn V được ví là huyền thoại tên lửa thế kỷ 20 phục vụ cho Sứ mệnh Apollo, thì SLS là tên lửa siêu hiện đại, mở đầu cho kỷ nguyên Sứ mệnh Artemis với tham vọng đưa người Mỹ tái đổ bộ lên Mặt Trăng. 

SLS là tên lửa đẩy mạnh nhất từng được NASA chế tạo (ảnh: Chụp màn hình NASA).

SLS có lực đẩy mạnh hơn 15% so với tên lửa Saturn V được sử dụng trong chương trình Apollo để con người khám phá Mặt trăng cách đây hơn nửa thế kỷ. 

Khi được nạp đầy nhiên liệu phóng, SLS nặng tới 2.875 tấn, với lực phóng thẳng đứng 152 mét chỉ trong vòng 7 giây. Chỉ riêng tầng lõi của SLS đã sở hữu lực đẩy lên tới 907.184 kg. 

Lực đẩy khủng khiếp này đến từ bốn động cơ RS-25 của tầng lõi. Để minh họa cho bạn dễ hiểu, lực đẩy này đủ sức cho 8 máy bay Boeing 747 cất cánh, hoặc cung cấp gấp đôi lực đẩy cần thiết cho 10 hàng không mẫu hạm lớp Nimitz của Hải quân Mỹ di chuyển với vận tốc 30 hải lý/giờ.

Khí thải của 2 tên lửa đẩy nhiên liệu rắn của SLS đủ để nung chảy cát sa mạc thành thủy tinh trong quá trình phóng thử nghiệm ở bang Utah.

Hai tên lửa đẩy nhiên liệu rắn cung cấp 75% lực đẩy tổng thể của tên lửa SLS, và chỉ trong vòng 2 phút có thể nâng tàu vũ trụ Orion đạt đến độ cao 44 km với tốc độ xấp xỉ 6.500 km/giờ.

Mỗi vụ SLS phóng lên không gian sẽ ngốn khoảng 4,1 tỷ USD trong ngân sách NASA.

Tàu vũ trụ Orion (màu trắng) gắn trên đỉnh tên lửa SLS (ảnh: Chụp màn hình CBS).

Sứ mệnh vĩ đại đầy chông gai

Jim Free, Phó Giám đốc của Nhiệm vụ Phát triển Hệ thống Thăm dò NASA cho biết: “Đây là một  nhiệm vụ rất rủi ro  … rất nhiều thứ có thể xảy ra sai sót trong nhiệm vụ ở những nơi mà chúng tôi có thể lên đó sớm, hoặc chúng tôi có thể phải bỏ dở “

NASA đã trải qua 4 lần thử nghiệm phóng SLS, trong đó 3 lần đều bị thất bại. Một loạt các trục trặc, với sự cố rò rỉ hydro trong ống nối đường nhiên liệu, sự cố với van heli bị kẹt và sự thiếu hụt nitơ dạng khí được sử dụng trong hệ thống phòng cháy, đã khiến 3 lần nạp nhiên liệu đủ cho SLS đều không thành công. 

Các lần thử nghiệm phóng SLS đều thất bại bởi một loạt các trục trặc liên quan đến đường ống nhiên liệu của tên lửa

Trong lần phóng thử nghiệm lần thứ 4 hôm 20/6 vừa qua, các kỹ sư đã phát hiện ra ống nối nhanh tiếp tục bị rò rỉ hydro, và cố gắng khắc phục.

Phó giám đốc của Nhiệm vụ Phát triển Hệ thống Thăm dò NASA Tom Whitmeyer cho biết:“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một cuộc diễn tập thực sự thành công. NASA biết rằng sẽ vẫn còn một số việc cần giải quyết trước khi ấn định ngày bay chính thức của SLS”.

Giai đoạn đầu tiên trong Sứ mệnh Artemis của NASA là sẽ đưa tàu vũ trụ Orion không người lái lên quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng, và ở lại trong không gian 42 ngày trước khi trở lại Trái Đất.

Trên tàu Orion sẽ lắp đặt một loạt các cảm biến tự động để thu thập dữ liệu về những gì các phi hành gia sẽ trải qua trong các chuyến du hành lên Mặt trăng trong tương lai. 

Nếu mọi việc suôn sẻ trong lần phóng SLS đưa tàu Orion lên quỹ đạo thành công vào tối nay (29/8), NASA sẽ thực hiện giai đoạn 2 trong sứ mệnh Artemis vào khoảng năm 2024, với việc gửi 4 phi hành gia thực hiện sứ mệnh bay vòng quanh Mặt trăng. Sau đó vào năm 2025, giai đoạn 3 sẽ cho phép phi hành đoàn đầu tiên hạ cánh lên Mặt trăng. 

Theo NASA, mục tiêu của Sứ mệnh Artemis là đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng, đồng thời để khám phá nhiều khu vực hoang vu trên đó. 

Tuy nhiên, thực chất ẩn sâu trong Sứ mệnh Artemis của NASA, chính là cuộc cạnh tranh đang diễn ra cực kỳ khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, nhằm giành quyền thiết lập sự hiện diện lâu dài đầu tiên tại Mặt Trăng.

Xa hơn nữa, đó là ai duy trì được tiềm lực khoa học và tài chính, sẽ có thể chiếm giữ và khai thác độc quyền các nguồn mỏ tài nguyên quý hiếm trên hành tinh này. 

NASA phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc về đất hiếm 

Từ lâu, đã có nhiều tuyên bố rằng Mặt Trăng chính là “kho báu” tài nguyên, là nơi sở hữu hàng tấn kim loại quý thuộc nhóm bạch kim (scandium và yttrium) được sử dụng trong thiết bị điện tử hiện đại của con người.

Ngoài ra trên Mặt trăng còn có rất nhiều Helium-3 – một loại khí rất hiếm, có tiềm năng cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện nhiệt hạch hạt nhân sạch. Và quan trọng hơn cả, nơi đây chứa khá nhiều đất hiếm (Rem). 

Những chiếc rover tự hành như trong ảnh sẽ giúp NASA khai phá và lập ‘thuộc địa’ (ảnh: Chụp màn hình).

Cần nhắc lại, đất hiếm là át chủ bài trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump. Để trả đũa những đòn thuế quan của Mỹ áp cho hàng hóa Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh từng đe dọa sẽ hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. 

Lưu ý là khoảng gần 90% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất các sản phẩm điện tử và công nghệ, từ điện thoại thông minh, máy tính, xe điện cho đến thiết bị quân sự…

Có thể nói, NASA đang khơi mào một cuộc chạy đua với “cơn sốt vàng trên Mặt Trăng”, bằng cách trả tiền cho các công ty hàng không vũ trụ tư nhân do các tỷ phú Mỹ điều hành để chiết xuất kim loại đất hiếm từ Mặt Trăng. 

Những nỗ lực này của NASA có khả năng sẽ được khởi động vào năm 2025, với hy vọng phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc đối với đất hiếm.

Theo Reuters, Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết: “Điểm mấu chốt là chúng tôi sẽ mua một ít đất Mặt trăng với mục đích chứng minh rằng nó có thể được thực hiện”. 

Sáng kiến này nhắm mục tiêu vào các công ty tư nhân có kế hoạch gửi robot khai thác tài nguyên Mặt Trăng, như công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos, SpaceX của tỷ phú Elon Musk và Virgin Galactic của Richard Branson.

NASA cho biết, họ coi các tài nguyên được khai thác là tài sản của công ty tư nhân Mỹ, và các vật liệu sẽ trở thành “tài sản duy nhất của NASA” sau khi Cơ quan này mua lại.

Phác thảo một khu vực mà NASA muốn xây trên Mặt trăng để tìm kim loại quý hiếm (ảnh: Chụp màn hình NASA).

Giám đốc NASA Bridenstine cho biết Sứ mệnh Artemis “sẽ đặt nền tảng cho sự hiện diện lâu dài bền vững trên bề mặt Mặt Trăng và sử dụng Mặt Trăng để xác nhận các hoạt động và hệ thống không gian trước khi bắt đầu chuyến du hành xa hơn nhiều đến sao Hỏa”.  

Tất cả các động thái trên đều nhằm để đối phó với Trung Quốc, khi nước này trở thành quốc gia thứ hai cắm cờ trên Mặt trăng.

Vào ngày 17/12/2020, tàu vụ trũ Thường Nga 5 (Chang’e-5) của Trung Quốc đã hạ cánh thành công lên Mặt Trăng, với nhiệm vụ khảo sát bề mặt Mặt trăng trong 2 ngày và thu thập khoảng 2kg mẫu đất đá trước khi quay trở về Trái Đất.

Tất nhiên, đây không phải là tin tức ‘vui vẻ’ đối với NASA, khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang toan tính âm mưu ‘tiếp quản’ Mặt Trăng.

NASA cũng nói rằng chương trình không gian của Trung Quốc thực chất là phục vụ cho mục đích quân sự, và Bắc Kinh đã ăn cắp ý tưởng, công nghệ từ những nước khác. 

Lưu ý là, những thất bại gần đây của Israel và Ấn Độ – hai trong số ít các cường quốc khoa học hàng đầu thế giới – cho thấy việc hạ cánh lên Mặt Trăng không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Cuộc chiến không gian Mỹ-Trung chưa hồi kết

Mặc dù Trung Quốc khẳng định việc chinh phục Mặt trăng chỉ phục vụ cho mục đích hòa bình, nhưng Washington lại coi Bắc Kinh là mối đe dọa tiềm tàng. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc phát triển công nghệ, vũ khí siêu thanh để bắn hạ các vệ tinh của Mỹ.

Có khá nhiều lý do để nghi ngờ mục đích khám phá vũ trụ của ĐCSTQ, bởi Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hồi tháng 5 vừa qua đã công bố một loạt các dự án, trong đó nhấn mạnh tới việc xây dựng một căn cứ cho người trên Mặt trăng trong Chương trình Mặt trăng của nước này.

Trong khi NASA dự kiến đưa phi hành đoàn lên lại Mặt Trăng vào năm 2024 trong sứ mệnh Artemis, và khám phá khu vực gần cực nam của hành tinh này, thì Trung Quốc cũng có kế hoạch cử một tàu vũ trụ không người lái tới cực nam sắp tới. 

Video này mô tả vùng cực nam của Mặt trăng, nơi mà các phi hành gia trong tương lai sẽ đáp xuống khi hạ cánh xuống vành đai của Miệng núi lửa Shackleton (NASA)

Trong tuyên bố nhân Ngày vũ trụ của Trung Quốc,  Phó cục trưởng CNSA Ngô Diễm Hoa cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu giai đoạn 4 của chương trình khám phá Mặt trăng trong năm nay, trong đó gồm nhiều phần khác nhau.

Đáng chú ý là, Chương trình Mặt trăng trước đó của Trung Quốc được chia làm 3 giai đoạn gồm: Bay quanh Mặt trăng, hạ cánh xuống Mặt trăng và quay về từ Mặt trăng. 

Và giai đoạn 4 với mục tiêu khám phá tại vùng cực nam, được coi là giai đoạn xây dựng một căn cứ thường trực cho con người ở lại lâu hơn trên Mặt trăng. 

Video này mô tả một cầu vượt của vùng cực nam của Mặt Trăng, kết thúc gần Miệng núi lửa Shackleton rộng 19 km (NASA)

Trung Quốc được cho là đang đuổi kịp Mỹ, thậm chí trong lĩnh vực không gian còn có phần vượt trội, đặc biệt khi Bắc Kinh được cho là có thể đạt được mục tiêu nếu được Moscow hợp tác trong không gian.

Trung Quốc không tiếc tiền để mua, thậm chí ăn cắp sở hữu trí tuệ công nghệ. Trong khi Nga có bề dày nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ cực kỳ cao. Nếu Trung Quốc và Nga kết hợp lại với nhau để chinh phục không gian, mà trước hết là Mặt trăng, Mỹ nên sớm vào cuộc trước khi nhận ra mọi thứ đã trở nên quá muộn.

Xem thêm: Trung Quốc – Nga đang điên cuồng gom vàng: Mục đích ẩn giấu sau động cơ này là gì?