Trung Quốc thường chối bỏ thực tế là họ sử dụng lực lượng dân quân biển để thúc đẩy yêu sách hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông. Họ gọi những tàu Trung Quốc tập trung quanh các khu vực tranh chấp chỉ là các tàu đánh cá.
Nhưng các văn bản mà BenarNews tìm thấy từ các cơ quan, ban ngành Trung Quốc đã cho thấy thực tế khác.
Trang tin nhận thấy rằng công ty đánh cá quốc doanh phụ trách hạm đội dân quân biển tại thành phố Tam Sa, Trung Quốc còn quản lý các dự án mật liên quan đến thông tin an ninh quốc gia. Đây là “một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các tàu thuyền của công ty này tham gia nhiều hoạt không chỉ là đánh bắt cá”.
Tàu dân quân Trung Quốc trang bị thiết bị theo dõi
Trang tin này cũng tìm thấy bằng chứng cho biết một trong số các con tàu đã được dùng để kiểm tra hệ thống chỉ huy và liên lạc mà Trung Quốc xây dựng bằng công nghệ nước ngoài. Như vậy, con tàu trở thành một thiết bị giám sát và liên lạc di động, có khả năng truyền thông tin tình báo trở lại các cơ quan chức năng trên đất liền.
Đây không phải là trường hợp duy nhất mà Trung Quốc trang bị công nghệ giám sát lên các tàu ngụy trang làm tàu dân sự.
“Thành phố Tam Sa đang lắp đặt các hệ thống tương tự trên các tàu tiếp tế Tam Sa 1 và Tam Sa 2 của họ với mục đích rõ ràng là theo dõi các tàu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Đài Loan”, theo BenarNews.
Cái gọi là thành phố Tam Sa
Đến tháng 7 năm 2016, Trung Quốc đã huy động lực lượng bao gồm hơn 1.800 dân quân và hơn 100 tàu thuyền cho thành phố Tam Sa. Trung Quốc đưa các ngư dân lên các đảo mà họ chiếm đóng. Nhưng tài liệu mà BenarNews tìm thấy cho biết cái gọi là “ngư dân” thực chất là lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc.
Năm 2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm quản lý một khu vực rộng lớn; bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa), bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Trung Sa) cùng các vùng biển xung quanh.
Việt Nam có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield.
Bãi cạn Scarborough từng thuộc kiểm soát của Philippines nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012. Giới quan sát cảnh báo Trung Quốc đang dùng chiêu trò tương tự để chiếm Đá Ba Đầu của Việt Nam.
Hàng trăm tàu Trung Quốc vây quanh khu vực Đá Ba Đầu vào tháng 3, với lý do “tránh bão”, dù khi đó không có dự báo nào về thời tiết bất thường. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang dùng thủ đoạn “lấy thịt đè người” nhằm đẩy lùi các ngư dân Việt Nam ra khỏi Biển Đông.