Cái chết của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã để lại niềm thương tiếc sâu sắc tại Australia. Những điều mà ông làm được trong chính sách với Trung Quốc là bài học mà Australia có thể noi theo, theo The Age.

Trong bài viết ngày 10/7, The Age cho biết: “Thật khó có thể nghĩ ra bất kỳ nhà lãnh đạo châu Á nào khác trong lịch sử mà cái chết của họ lại tạo ra phản ứng như vậy ở Australia”.

Thủ tướng Anthony Albanese đã tổ chức một cuộc họp báo hôm 9/7 để bày tỏ sự bàng hoàng về vụ sát hại ông Abe ở thành phố Nara. Ông Albanese mô tả cố Thủ tướng Abe là “một chính khách vĩ đại, người đã tạo ra sự khác biệt”.

Victoria đã chiếu sáng các địa danh của Melbourne bằng màu đỏ và trắng (màu của quốc kỳ Nhật Bản), để bày tỏ sự tôn trọng đối với cố Thủ tướng. Bang NSW của Australia cũng làm như vậy đối với những cánh buồm của Nhà hát Lớn.

Theo The Age, phản ứng của Australia cho thấy thành công của ông Abe trong việc phục hồi Nhật Bản và trao cho nước này một vai trò toàn cầu, biến nước này thành một đồng minh chiến lược và đối tác kinh tế quan trọng đối với Australia.

Khi ông Abe nhậm chức, Nhật Bản vẫn đang phục hồi sau sự sụp đổ của bong bóng tài chính những năm 1990 và trận sóng thần lớn năm 2011.

Ông Abe đã cam kết thực hiện một kế hoạch cải cách nền kinh tế, được gọi là “Abenomics”. Ông cũng cam kết sẽ vượt ra khỏi chính sách đối ngoại thụ động và hòa bình mà Nhật Bản đã theo đuổi kể từ sau thất bại trong Thế chiến thứ hai.

Đối với Australia, Abenomics đã dẫn đến thỏa thuận thương mại tự do mang tính bước ngoặt mà ông Abe đã ký với (Thủ tướng Úc) Tony Abbott vào năm 2014.

Ông Abe ngày càng trở thành một đối tác an ninh quan trọng, trong khi Australia thay đổi thái độ về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông đã đóng vai trò chính trong việc hình thành Bộ Tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) như một liên minh đối trọng với Trung Quốc.

Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh: Wikimedia Commons).
Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh: Wikimedia Commons).

Những người chỉ trích cho rằng chính sách đối ngoại mạnh mẽ của ông Abe đã khiến một số nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc, cho rằng ông đang làm sống lại những ký ức về lịch sử đế quốc của Nhật Bản. Nhưng trên thực tế, ông Abe vẫn kiên định với tầm nhìn của mình về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”.

“Trung Quốc thường không hài lòng với ông Abe, đặc biệt là khi ông thông qua đạo luật nới lỏng các giới hạn trong hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản về việc sử dụng Lực lượng Phòng vệ. Nhưng Trung Quốc và Nhật Bản vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau về kinh tế và ngoại giao”, The Age bình luận.

“Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn hoạt động chính trị, kêu gọi những người kế vị không để Nhật Bản thu mình lại trong vỏ ốc. Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida đã lắng nghe cho đến nay. Nhật Bản là quốc gia châu Á thẳng thắn nhất trong việc lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Ông Kishida đang nói về việc tăng chi tiêu quốc phòng.”

The Age đề cập đến việc Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã “phá vỡ tình trạng đóng băng ngoại giao kéo dài hai năm qua” với Bắc Kinh bằng cuộc gặp với nhà ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc tại G20. Bài viết cho rằng bà ngoại trưởng “nên nhìn vào di sản của ông Abe” trong chính sách với Trung Quốc.

“Australia thường nhìn vào Mỹ hoặc châu Âu để được lãnh đạo và hỗ trợ”, The Age viết. Nhưng Ngoại trưởng Wong “nên nhìn vào di sản của Abe. Bà cam kết sẽ ổn định mối quan hệ của Australia với Trung Quốc. Ông Abe cung cấp một mô hình về cách tương tác với Trung Quốc trong khi vẫn chống lại nó khi cần thiết”.

Có thể bạn quan tâm