9 tiếng sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn và 5 tiếng sau thông báo ông qua đời, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố chia buồn về vụ ám sát đang gây rúng động Nhật Bản. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Biden đã vấp phải sự chỉ trích tại Mỹ do đề cập đến bạo lực súng đạn.

Tuyên bố gây tranh cãi

Trong một tuyên bố trên trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến cái chết đột ngột và bi thảm của cựu Thủ tướng Abe. Đồng thời tổng thống Mỹ cũng nhắc nhớ tới thời gian hai người làm việc cùng nhau khi ông Joe Biden còn là phó Tổng thống Mỹ. 

Tổng thống Joe Biden

“Tôi vô cùng sửng sốt, phẫn nộ và vô cùng đau buồn trước tin tức rằng người bạn của tôi, Shinzo Abe cựu Thủ tướng Nhật Bản, bị bắn chết trong khi vận động tranh cử.

“Đây là một bi kịch cho Nhật Bản và cho tất cả những ai biết ông ấy. Tôi đã có vinh dự được làm việc chặt chẽ với Thủ tướng Abe”.

Tuy nhiên cuối bản tuyên bố, Tổng thống Biden đã gây ra một tranh cãi, và bị những người theo cánh hữu chỉ trích là đã “tận dụng” vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe như một cái cớ để phàn nàn về “bạo lực súng đạn”. 

Tuyên bố có đoạn:

“Mặc dù còn nhiều chi tiết mà chúng tôi chưa biết, nhưng chúng tôi biết rằng các cuộc tấn công bạo lực không bao giờ được chấp nhận, và bạo lực súng đạn luôn để lại vết sẹo hằn sâu cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi nó”;

“Hoa Kỳ sát cánh với Nhật Bản trong thời khắc đau buồn này. Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình ông ấy”.

“Chính trị hóa” bạo lực súng đạn

Bình luận của Tổng thống Biden đổ lỗi vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe gây ra bởi bạo lực súng, đã thu hút sự chỉ trích từ nhiều nhà báo, nhà bình luận chính trị tại Mỹ.  Chẳng hạn như nhà bình luận Ben Shapiro và Matt Whitlock đã gọi phản ứng của Tổng thống Joe Biden trước vụ ám sát Abe là “điều ngu ngốc nhất mà ông ấy từng nói”.

Người dẫn chương trình phát thanh bảo thủ Ben Shapiro viết: “Joe Biden nói rằng việc ám sát Shinzo Abe là một vấn đề của ‘bạo lực súng đạn.’ Đây có lẽ là điều ngu ngốc nhất mà ông ấy từng nói”. 

Tiana Lowe, một cây bút bình luận của tờ Washington Examiner viết rằng: 

“Cái chết của (ông Abe) là một bi kịch đối với nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Quyết định của Biden cướp đi cái chết của ông ấy vì mục đích chính trị trong nước hơn là ác ý. Thật là mỉa mai”. 

Hiện nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc giữa quan điểm của phe cánh tả muốn kiểm soát súng, và phe cánh hữu bảo vệ quyền sở hữu súng được Hiến pháp Mỹ quy định. 

Dưới con mắt của phe cánh hữu, các chính trị gia thuộc cánh tả luôn “chính trị hóa” các vụ xả súng xảy ra tại Mỹ và trên khắp thế giới, để nhằm tước quyền sở hữu súng tư nhân. 

Nhật Bản kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất thế giới

Tổng thống Biden tiếp tục lên án tai họa “bạo lực súng đạn” là nguyên nhân gây ra cái chết của cựu Thủ tướng Abe.

Theo CNN, Nhật Bản có một số luật kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất trên thế giới. 

 “Theo luật súng ống của Nhật Bản, các loại súng duy nhất được phép bán là súng ngắn và súng hơi – những loại súng ngắn nằm ngoài vòng pháp luật. Nhưng để sở hữu được chúng là một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và rất nhiều kiên nhẫn”. 

Tại Nhật, súng ngắn và súng trường đều bị cấm. Kiếm cũng vậy. Súng săn dành cho các thợ săn và vận động viên thể thao cũng đòi hỏi quy trình cấp phép rất nghiêm ngặt. Người sở hữu súng phải trải qua một kỳ thi tâm lý và kiểm tra lý lịch kỹ càng của cảnh sát.

Có thể nói, luật về súng của Nhật là cực kỳ nghiêm ngặt khiến việc mua súng trở nên rất khó khăn. Ở Nhật, các trường hợp tử vong do bạo lực súng cũng cực kỳ hiếm, chỉ có 9 trường hợp tử vong được ghi nhận trong năm 2018.

Sau vụ xả súng ở Công viên Highland (bang Illinois) vào đúng ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, cướp đi sinh mạng của 7 người, truyền thông dòng chính Mỹ là CBS News (ngày 6/7) còn cho rằng, Mỹ nên “học cách” kiểm soát súng như chính phủ Nhật Bản. 

Trớ trêu là chỉ 2 ngày sau khi CBSNews đưa ra “giải pháp” cho nước Mỹ, vị thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản Shinzo Abe đã thiệt mạng vì trúng đạn của kẻ ám sát tại tỉnh Nara, miền tây nước này vào ngày 8/7 vừa qua. 

Kiểm soát súng có ngăn hoàn toàn bạo lực súng?

Khám xét nhà hung thủ, cảnh sát còn tìm thấy một số vũ khí tự chế tương tự như vũ khí được sử dụng trong vụ ám sát ông Abe. Cảnh sát mô tả rằng, các vũ khí dài 40cm và cao 20cm, đang được xử lý thận trọng do “có khả năng phát nổ”. 

Ngày 7/8, người đứng đầu Hiệp hội thợ săn Nhật Bản Sasaki Yohei phủ nhận khả năng khẩu súng tại hiện trường của hung thủ là một khẩu súng ngắn.

Hung thủ Tetsuya Yamagami đang đeo khẩu súng “tự chế” là vũ khí hạ sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Sasaki Yohei nói rằng phải có giấy phép để sở hữu một khẩu súng ngắn. Đề cập đến hiện tượng khói tỏa ra khi hung thủ Tetsuya Yamagami bắn ông Abe, ông Sasaki Yohei cho biết, một khẩu súng ngắn thông thường hầu như không tạo ra khói. 

Ông nói thêm rằng khẩu súng của hung thủ nhỏ hơn nhiều so với một khẩu súng ngắn thông thường, dài khoảng 140 cm. Vì vậy ông Sasaki Yohei cho rằng, vũ khí dùng để bắn ông Abe có thể là một khẩu súng tự chế.

Điều này cho thấy, ngay cả những quốc gia ban hành luật súng nghiêm ngặt nhất như Nhật Bản, cũng không thể ngăn cản được hung thủ Tetsuya Yamagami thực hiện hành vi tội ác của mình.

Không mua được súng, không có nghĩa là hung thủ không thể có súng để thực hiện hành vi giết người của mình.

Kết

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe, cũng giống như các vụ bạo lực súng khác, động cơ và trạng thái tâm lý của sát thủ mới là yếu tố chính cấu thành hành vi bạo lực của anh ta hơn là khẩu súng anh ta sử dụng. 

Đây là một ví dụ thực tế mới cho thấy, việc lập luận kiểm soát súng của phe cánh tả tại Mỹ luôn đầy “lỗ hổng”. 

Tuy nhiên, cuộc chiến của chính quyền Joe Biden về khả năng thúc đẩy thay đổi Tu chính án 2 vẫn đang được tiến hành. Và vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe là một cuộc khủng hoảng mà phe thiên tả tại Mỹ không thể bỏ qua. 

Có thể bạn quan tâm:

Vì sao người Mỹ cương quyết bảo vệ quyền sở hữu súng?

Cựu Tổng thống Trump muốn hung thủ phải trả giá đắt vì ám sát ông Abe

Diễn biến: Cựu Thủ tướng Shinzo Abe trước và sau khi trúng đạn