Cao Sỹ Huy ra đầu thú vì từng tham gia đường dây lừa đảo đưa 50 người Việt bán sang Campuchia.

Ngày 31/8, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết Cao Sỹ Huy (40 tuổi, trú tổ 2, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã chủ động đến cơ quan điều tra đầu thú, theo báo VTC News.

Huy khai nhận cũng từng được một công ty môi giới dẫn vượt biên sang Campuchia để làm việc tại một casino vào tháng 12/2021. Đến tháng 5/2022, Huy chuyển đến làm tại Công ty Sao Đỏ ở Campuchia với công việc là lên các trang mạng tìm người Việt có nhu cầu việc làm để lừa bán sang Campuchia trái phép. Mỗi tháng Huy được nhận 850 USD tiền lương.

Hầu hết lao động xuất cảnh trái phép dưới chiêu “việc nhẹ lương cao” rồi bị lừa gạt, đưa vào casino, cơ sở sản xuất trá hình và phải sống trong môi trường gần như bị giam giữ. Nhiều người từng là nạn nhân sau đó lại trở thành kẻ buôn bán người.

Về phần mình, Huy thú nhận đã cùng đồng bọn đưa trót lọt khoảng 50 người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Đến tháng 7/2022, nhiều người trong nhóm của Huy bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ.

Gần đây, đối tượng trở về quê ở Quảng Ngãi được công an tỉnh vận động nên đã đến cơ quan điều tra đầu thú. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao Cao Sỹ Huy cùng tài liệu, tang vật cho Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra, mở rộng vụ việc.

Những người chạy trốn khỏi casino bên Campuchia, nhập cảnh trái phép về Việt Nam (ảnh: Biên phòng cung cấp).

Ngày 22/8, thượng tá Khổng Ngọc Oanh (Trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự) dẫn chứng vụ 42 người Việt vượt sông trốn khỏi casino ở Campuchia để cảnh báo rằng có đến hàng nghìn người có thể đã bị đưa sang Campuchia. 

VnExpress đưa tin, cơ quan chức năng xác định “không phải hàng chục, hàng trăm mà có thể hàng nghìn người” đã bị đưa sang Campuchia lao động theo dạng cưỡng bức, phải làm việc trong điều kiện cực kỳ nặng nhọc, bị giam giữ và không được nhận lương như hứa hẹn. 

Việc giải cứu những lao động này cũng không dễ dàng khi sự vụ đều ở bên kia biên giới. Có những cơ sở nằm giữa rừng sâu, ngụy trang thành điểm sản xuất. Người ngoài không thể biết được những gì đang xảy ra phía trong. Các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn khi xác minh thông tin.

Tình trạng xuất cảnh trái phép, trở thành nạn nhân của buôn người xảy ra hầu hết các tỉnh kinh tế khó khăn, như địa phương biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, Tây Nguyên… Người đi thường là lao động nghèo khó, song cũng có nhiều thanh thiếu niên, thậm chí sinh viên gia cảnh bình thường, muốn đổi đời nhanh, nghe theo mời chào trên mạng rồi trốn đi. Các em sợ bị ngăn cản nên giấu gia đình, khiến việc tìm kiếm thông tin rất khó.

Có thể bạn quan tâm: