Ông Hải, một nông dân miền Đông Nam bộ kể, vừa bán đàn gà lông trắng 6.000 con, chịu lỗ khoảng 72-78 triệu đồng. Tính ra, với đàn gà 1.000 con, người chăn nuôi lỗ 12-13 triệu đồng.

Giá thức ăn tăng, nuôi một con gà lỗ 13.000 đồng

Theo phản ánh của báo Vietnamnet, nhiều hộ gia đình chăn nuôi đang điêu đứng giống như hoàn cảnh của ông Lê Phương Hải (Long Thành, Đồng Nai). Ông Hải kể, giá thức ăn chăn nuôi tăng tăng mạnh chưa từng có; giá thuốc thú y, cước vận chuyển cũng ồ ạt tăng, trong khi giá gà thịt bán ra lại giảm mạnh.

Trang trại nhà ông Hải thường xuyên có 180.000-200.000 con. Mỗi ngày, ông bán khoảng vài nghìn con gà thịt lông trắng ra thị trường. Giá gà trong suốt năm 2021 lên xuống bấp bênh, có lúc còn chưa đầy 10.000 đồng/kg bán không ai mua, khiến ông thua lỗ nặng.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã. Năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng 40-50%; từ đầu năm 2022 đến nay, đã tăng thêm 1.000 đồng/kg. Hiện giá thành sản xuất 1kg gà lông trắng giờ tăng lên 30.000-31.000 đồng. Tính ra, ông Hải hiện lỗ 12.000-13.000 đồng/con. Bán lứa gà 6.000 con gà, ông lỗ khoảng 72-78 triệu đồng.

Khó khăn hiện tại chưa phải là đỉnh điểm. Ông Hải lo lắng hơn khi xu hướng giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng chưa thấy đỉnh, còn giá gà lại có xu hướng giảm dần đều. Nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai không gồng nổi lỗ đành treo chuồng. Ông Hải cũng phân vân, bởi đã đầu tư lớn vào chuồng trại giờ bỏ trống không ổn, nợ ngân hàng vẫn còn, nuôi tiếp thì không biết còn lỗ tới khi nào.

Đầu vào tăng, nuôi gì cũng lỗ

Đúng như lo lắng của ông Hải, những ngày gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục được các công ty, đại lý tăng mạnh.

Theo Thế giới tiếp thị, ngày 11/3, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi ở TP. HCM niêm yết mức tăng, cụ thể: tất cả các sản phẩm cám heo, gà, vịt cao cấp tăng 300 đồng/kg. Tất cả sản phẩm cám Net tăng 250 đồng/kg. Sản phẩm cám cá cao cấp tăng 400 đồng/kg. Sản phẩm cám cá tạp tăng 200 đồng/kg.

Điều này khiến không chỉ những hộ nuôi gà như ông Hải gặp hệ lụy, mà hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm khác cũng lâm vào cảnh khó khăn.

Theo phân tích của Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, với chi phí đầu vào hiện nay, giá thành sản xuất 1kg heo hơi tăng lên 55.000-60.000 đồng/kg, trong khi đợt sau Tết Nguyên đán chỉ ở mức 50.000 đồng.

Ông Đoán cho rằng, với xu hướng giá thức ăn tiếp tục tăng như hiện nay, nhiều trại có nguy cơ treo chuồng. Thực tế, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì càng nuôi càng lỗ.

Bà Bình – chủ trang trại nuôi lợn ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) nêu nghịch lý hiện nay, đó là giá heo hơi bán ra đang thấp hơn giá thành sản xuất. Do sợ lỗ ngày một nặng, bà Bình phải bó hẹp quy mô chăn nuôi, từ vài trăm con/lứa xuống còn vài chục con.

“Xong lứa heo này, chắc tôi phải xem lại khả năng thả lứa giống mới”, bà Bình nói.

Vì sao giá thức ăn chăn nuôi tăng?

Theo các chuyên gia kinh tế, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam chịu tác động bởi đà tăng của thị trường thế giới. Nguyên nhân chủ yếu vì nguồn nguyên liệu khan hiếm do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ. Trong khi cuộc chiến Nga -Ukraine đang tác động lớn đến giá bắp và lúa mì.

Hiện nay, 90% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam là nhập khẩu.

Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới giá thức ăn chăn nuôi còn tăng tiếp.